Đảm bảo an toàn thực phẩm với trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ

Mô hình trồng dưa hấu theo hướng an toàn của nhóm hộ tại khu 10, xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa có liên kết đầu ra với HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc cho hiệu quả kinh tế cao. PTĐT-An toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nông nghiệp liên quan […]

Mô hình trồng dưa hấu theo hướng an toàn của nhóm hộ tại khu 10, xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa có liên kết đầu ra với HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc cho hiệu quả kinh tế cao.

PTĐT-An toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nông nghiệp liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy, đảm bảo an toàn thực phẩm với chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 400 trang trại hoạt động đạt tiêu chí, hàng chục nghìn hộ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Với sản lượng hàng năm của toàn tỉnh đạt trên 165.000 tấn thịt hơi; trên 34.000 tấn thủy sản; sản lượng lương thực trên 450.000 tấn; trên 200.000 tấn rau các loại…, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ và nông hộ cung cấp cho thị trường một lượng thực phẩm khá lớn. Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước nâng cao qua việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, thực phẩm và trách nhiệm của người tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thực trạng vi phạm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Đặc thù của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là hoạt động không có giấy đăng ký kinh doanh, sản xuất manh mún, không hình thành các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh… do đó đa phần người sản xuất chưa có kiến thức đầy đủ về ATTP trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn cung thực phẩm từ các cơ sở nhỏ lẻ và nông hộ là điều hết sức cần thiết.

Sản xuất nông nghiệp được thực hiện trên địa bàn rộng, đa dạng về chủng loại sản phẩm, quy mô nên khó khăn cho công tác quản lý. Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi còn phổ biến; người sản xuất nói chung vẫn còn hạn chế trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất cũng như kiến thức trong bảo đảm ATTP. Trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, mặc dù đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo nhắc nhở nhưng tình trạng nhiều hộ nông dân lạm dụng các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích tăng trưởng vẫn tồn tại. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn nên gây khó khăn trong quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Việc tuân thủ quy trình sản xuất an toàn ở nhiều nơi còn khó khăn do phải theo dõi và ghi chép nhật ký đầy đủ, chi tiết sinh trưởng và các biện pháp áp dụng đối với cây trồng, vật nuôi trong quá trình sản xuất.

Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, các ngành chức năng cần tích cực phối hợp với các địa phương để quản lý thực phẩm từ gốc và huy động cộng đồng cùng tham gia quản lý, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất đạt các tiêu chuẩn tiên tiến. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo người sản xuất không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục cho phép. Điều này đòi hỏi phải thay đổi phương thức sản xuất thông qua áp dụng các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn, từ khâu chọn giống, áp dụng quy trình sản xuất đến thu hoạch. Các doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã, tổ hợp tác cần phát huy vai trò trong việc liên kết với người nông dân, tích tụ ruộng đất và chính người nông dân sẽ trực tiếp tham gia sản xuất để tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng cung ứng cho thị trường.

Tại huyện Lâm Thao, sản xuất nông nghiệp đang dần hình thành theo hướng hàng hóa với việc xây dựng một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn, chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện cho biết: Thực hiện đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi xác định trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản được đẩy mạnh. Đồng thời khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi nông sản an toàn, đến nay trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng một số mô hình thành công. Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm thực sự an toàn trước khi cung ứng tới tay người tiêu dùng.

Việc xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp theo chuỗi liên kết để quản lý chất lượng, ATTP đang là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là hướng đi để trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ dần theo kịp xu thế chung, đảm bảo ATTP, tạo đầu ra bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm.