Vải thiều Bắc Giang đã được xuất đến trên 30 nước và vùng lãnh thổ với tổng sản lượng ước 87.400 tấn, giá trị ước 153 triệu USD. Đâu là nguyên nhân, bài học rút ra, từ đó có định hướng phát triển để các vụ vải sau thắng lợi hơn? Phóng viên Báo Kinh […]
Vải thiều Bắc Giang đã được xuất đến trên 30 nước và vùng lãnh thổ với tổng sản lượng ước 87.400 tấn, giá trị ước 153 triệu USD.
Đâu là nguyên nhân, bài học rút ra, từ đó có định hướng phát triển để các vụ vải sau thắng lợi hơn? Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với các nhà quản lý xung quanh vấn đề này.
Chú trọng công nghệ chế biến và bảo quản
Ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2018 có thể nói là năm thắng lợi lớn của quả vải, với việc đưa vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu thành công đến trên 30 nước và vùng lãnh thổ với tổng sản lượng ước đạt 87.400 tấn, giá trị ước đạt 153 triệu USD. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 86.400 tấn, giá trị ước đạt 151,2 triệu USD. Còn các thị trường khác (Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Australia,…) khoảng 1.000 tấn, giá trị ước đạt 1,8 triệu USD.
Theo ông Thái, người dân Trung Quốc rất thích ăn vải; đây là thị trường tương đối dễ tính so với các thị trường khác. Trung Quốc lại gần với Bắc Giang, rất tiện cho việc vận chuyển vì quả vải rất khó bảo quản.
“Đặc trưng của vải thiều là bảo quản khó khăn. Khâu bảo quản vải thiều đang được thực hiện bằng cách ướp trong thùng xốp lạnh, nên khó xuất khẩu sang các thị trường xa. Nếu xuất khẩu sang các thị trường này, vải thiều buộc phải đi bằng đường hàng không, đẩy giá thành vận chuyển cao, làm giảm sức cạnh tranh,” ông Thái phân tích.
Để khắc phục khó khăn này, tỉnh Bắc Giang phối hợp Công ty Juran (Israel) triển khai công nghệ bảo quản quả vải. Với dây chuyền công nghệ bảo quản này sản phẩm vải thiều sẽ bảo quản được khoảng 5 tuần, thuận lợi trong việc đưa ra các thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đồng thời, khoảng thời gian này cũng sẽ giúp quả vải có thể được vận chuyển bằng tàu biển, thay vì máy bay, từ đó tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Bên cạnh đó, riêng tại Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng đã có 235 lò sấy vải, tập trung tại các xã: Quý Sơn, Phượng Sơn, Nam Dương, Trù Hựu, Kiên Thành, Tân Hoa…, giúp bảo quản quả vải được tốt hơn và đa dạng sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bao bì, tem nhãn để nhận biết, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cũng được tỉnh Bắc Giang chú trọng triển khai. Kinh nghiệm cho thấy, vải thiều Bắc Giang được đóng hộp, đóng túi đẹp, có tem nhãn để truy xuất nguồn gốc được bán tại Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản có giá bán cao gấp từ ba đến năm lần (từ 120 – 300 nghìn đồng/kg) so với các sản phẩm không được đầu tư bao bì. Do đó, Bắc Giang xác định đây là khâu quan trọng tạo nên thương hiệu và nâng cao giá trị quả vải thiều.
Thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất – tiêu thụ
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm 2018, do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tỷ lệ sâu cuống trên vải thiều nhiều hơn năm trước, tốc độ vải chín cũng nhanh hơn. Do đó, năm 2019, cần nghiên cứu đưa ra quy trình chăm sóc hợp lý, phù hợp với điều kiện khí hậu biến đổi.
Năm 2018, công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu khá tốt nhưng để hình thành mô hình tổ chức sản xuất kép kín từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn chưa làm được nhiều.
Hợp tác xã (HTX) Hồng Xuân (Lục Ngạn) làm khá tốt việc này. HTX có 19 thành viên, tổng diện tích vải 12,7ha, đều sản xuất theo quy trình VietGAP, sản lượng 300 tấn/năm. Trong đó, 50% sản lượng được các công ty, siêu thị trong nước đặt mua. 100% sản lượng vải của các thành viên được bán tại vườn với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, có thời điểm 40.000 đồng/kg. Từ trồng vải, các thành viên có thu nhập trung bình 150 – 200 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2018, vải của HTX xuất đi 3 nước Mỹ, Nhật , Nga với sản lượng hơn 30 tấn.
Để có được kết quả như trên, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân cho biết, HTX đã kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; giới thiệu sản phẩm vào hệ thống siêu thị…
Bên cạnh đó, theo ông Bình, đối với quả vải cần có công nghệ bảo quản phù hợp, công nghệ này khá đắt, do vậy, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Số lượng doanh nghiệp tham gia chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, vải thiều nói riêng rất ít. Năm 2018, chỉ có 10.000/215.000 tấn vải tươi được chế biến.
2.jpg
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được bày bán tại Thái Lan có ghi nguồn gốc xuất xứ Việt Nam rất rõ rang.
“Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có chính sách nhưng chưa thực sự hấp dẫn, cần phải có đột phá, mạnh dạn hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nếu giải quyết được hai khâu: công nghệ bảo quản và chế biến sâu thì xuất khẩu vải sẽ được nhiều hơn và giá trị mang về sẽ cao hơn”, ông Bình nói.
Để năm 2019, vải thiều được xuất khẩu nhiều hơn, ông Thái cho rằng, Bắc Giang cần tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để tăng năng suất, nâng cao chất lượng quả vải.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang, thông qua việc đóng gói bao bì mẫu mã, gắn với tem truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhất là thị trường khó tính, thị trường mới.
Cuối cùng và cũng điểm là mấu chốt, Bắc Giang cần sớm ban hành cơ chế chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
“Sản xuất cũng là HTX, thương mại cũng là HTX, cần có chính sách “kéo” doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất – tiêu thụ vải thiều. Có như vậy mới có được sản phẩm tốt nhất, mới xây dựng được thương hiệu, mới ký kết được nhiều hợp đồng liên kết chuỗi. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông”, ông Thái nói.
Về định hướng phát triển quả vải trong thời gian tới, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang nhấn mạnh thêm rằng, chất lượng vải càng tốt, năng suất càng cao thì xuất khẩu càng dễ. Do vậy, thời gian tới, tỉnh cần tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo mô hình HTX, chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Cùng với đó làm tốt công tác xúc tiến thương mại; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, góp phần giúp nhà vườn tiêu thụ vải tốt hơn.
Hy vọng, với những bài học kinh nghiệm rút ra của vụ vải năm 2018, Bắc Giang sẽ có kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp, cùng sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ Trung ương đến địa phương để các vụ vải sau gặt hái nhiều thắng lợi hơn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tổng số lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh là 211.600 tấn; trong đó, vải sớm 43.570 tấn, vải chính vụ 168.010 tấn.
Giá vải năm nay tương đối ổn định. Giá vải thiều xuất khẩu được thu mua với giá cao, trong đó giá vải sớm đầu vụ có thời điểm đạt 35.000-40.000 đồng/kg, còn lại cơ bản ổn định ở mức bình quân từ 8.000-20.000 đồng/kg. Ước giá vải của cả vụ bình quân trong toàn tỉnh đạt từ 16.000 – 18.000 đồng/kg.