Trước tình trạng nhiều diện tích ngô bị sâu keo mùa thu tấn công, nhiều hộ dân ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên… (tỉnh Bắc Giang) lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì càng phun thuốc, loại sâu này càng phát triển, lan rộng và gây hại nặng nề hơn. Sâu lớn rất […]
Trước tình trạng nhiều diện tích ngô bị sâu keo mùa thu tấn công, nhiều hộ dân ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên… (tỉnh Bắc Giang) lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì càng phun thuốc, loại sâu này càng phát triển, lan rộng và gây hại nặng nề hơn.
Sâu lớn rất nhanh
Sau nhiều ngày tìm cách diệt sâu cứu hơn 3 sào ngô của mình, cuối cùng ông Phạm Văn Thức ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã bất lực, bỏ mặc ruộng cho sâu tàn phá tan hoang.
Nông dân trồng ngô tại các huyện của Bắc Giang điêu đứng vì bị sâu keo mùa thu gây hại nặng nề. Ảnh: H.Đ
“Sâu này lúc đầu nở từ nhộng bướm bé tí, nhưng lớn rất nhanh, chỉ sau vài ngày đã to hơn cả những loài sâu thông thường. Từ lúc nhỏ, sâu đã bắt đầu ăn hết lá ngô ngon, đục thân khi cây ngô chỉ mới 1 tuần tuổi, sâu ăn đến khi cây được 1 tháng trổ cờ thì mới dần hết. Chúng tôi đã xử lý hết các loại thuốc diệt trừ sâu mà vẫn không xuể” – ông Thức nói.
Nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; có thể sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non. Ngoài ra, nông dân có thể sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ…), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở – tuổi nhỏ…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú |
Ông Thức cho hay, dù ông đã phun thuốc liên tục đến gần chục lần, hết cả triệu đồng tiền thuốc trừ sâu mong giảm thiểu sự phát triển của sâu keo, nhưng các nỗ lực vẫn vô vọng. Hiện, hơn 3 sào ngô của gia đình ông và nhiều diện tích ngô của bà con ở xã đã bị sâu tàn phá với mức độ thiệt hại ước tính trên 50%.
Có mặt tại các xã ở huyện Việt Yên, chúng tôi ghi nhận những cánh đồng ngô bị sâu keo mùa thu gây hại, lá rách tả tơi. Phân sâu như mùn gỗ đổ từ ngọn xuống gốc, cây ngô không thể phát triển và có nguy cơ mất trắng. Chị Phạm Thị Tiến ở xã Tiên Sơn đang mải miết đi khắp đồng ngô rộng hơn 4 sào của gia đình, vạch từng chiếc lá để bắt sâu. Chị kể: Lúc mới trồng ngô, cây lên đều và đẹp lắm, nhưng khi cao tới đầu gối thì “giặc” sâu keo mùa thu xuất hiện. Vợ chồng tôi đã dùng đủ cách, kể cả phun thuốc trừ sâu nhưng vẫn không hiệu quả. Tổng chi phí đầu tư 4 sào ngô hết hơn 10 triệu đồng, chưa kể công sức bấy lâu nay có nguy cơ đổ sông đổ biển hết”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm (xã Tiên Sơn) có hơn 15 năm kinh nghiệm trồng ngô nhưng cũng không có cách gì để bảo vệ những ruộng ngô của mình. Ông cho biết: “Tôi trồng 3 sào ngô, cũng đang bị sâu keo gây hại. Nhiều năm trồng ngô nhưng năm nay tôi mới bắt gặp loại sâu này, diệt mãi không hết. Trung bình mỗi sào ngô thu hoạch bán ra được 3 triệu đồng, nhưng năm nay sâu gây hại, năng suất giảm, tiền công, phân thuốc nhiều hơn nên chắc lỗ vốn”.
Theo ông Lâm, sâu keo ăn hết lá, rồi đến đục thân, hoạt động về ban đêm rất khó phát hiện, chỉ khi đến sáng ra đồng thăm đã thấy lá, thân ngô bị sâu cắn nát.
Gây hại diện rộng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, đến nay, sâu keo mùa thu đã gây hại trên cây trồng ở 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với diện tích gần 70ha, cao gấp gần 10 lần so với 1 tuần trước. Nơi có diện tích ngô bị hại nặng là các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa.
Hiện trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc được đăng ký để phòng trừ sâu keo mùa thu. Để phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu này, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) đã đề nghị Sở NNPTNT các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sử dụng tạm thời các hoạt chất để phòng trừ, gồm: Bacillus thuringiensis, Spinetoram,Indoxacarb, Lufenuron và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân theo nguyên tắc “4 đúng”. |
Dự báo trong thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh trên diện rộng. Trước sự nguy hại của loài sâu này, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản khuyến cáo về công tác phòng, chống sâu keo mùa thu. Theo đó, Sở này đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, thị trấn, đơn vị chuyên môn thực hiện tốt công các điều tra phát hiện, hướng dẫn nông dân phòng trừ; tổ chức thông tin tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu. Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để bắt sâu.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Tú – cán bộ Chi cục Trồng trọt và BTVT tỉnh Bắc Giang, một số đơn vị cung ứng giống ngô đã đưa ra giải pháp trước mắt nhằm hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu là sử dụng giống ngô chuyển gen kháng sâu như NK4300Bt/Gt, NK6919S, DK9955S. “Giải pháp này khá khả quan vì hiện nay sâu keo mùa thu đang tàn phá trên nhiều diện tích ngô, nhưng giống ngô chuyển gen NK4300Bt/Gt trồng tại một số nơi thuộc các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị ảnh hưởng” – bà Tú nói.
Cùng với giải pháp trên, Sở NNPTNT Bắc Giang đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tiến hành nhiều thí nghiệm, qua đó tìm được hoạt chất hiệu quả nhất là Raduant 60SC để trị sâu keo mùa thu. Trên cơ sở đó, Sở đang xây dựng mô hình phòng, chống sâu keo mùa thu trong vụ thu đông với quy mô 10ha.
Được biết, sắp tới Sở NNPTNT Bắc Giang sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai tập huấn cho 360 nông dân nhận biết sâu keo mùa thu; đánh giá mức độ và tỷ lệ gây hại của sâu trong từng giai đoạn, đưa ra quy trình phòng, chống sâu keo mùa thu hiệu quả tại địa phương. Từ đó sẽ có khuyến cáo nhân rộng cách xử lý trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo Hải Đăng (Dân Việt)