Theo thông tin từ đội ngũ nghiên của Viện sỹ Viên Long Bình, giống lúa lai thế hệ thứ ba mà Trung Quốc đang nghiên cứu sẽ cho năng suất đạt mức cao kỷ lục. Theo kết quả mà đội ngũ nghiên cứu của Viện sỹ Viên Long Bình – chuyên gia hàng đầu về […]
Theo thông tin từ đội ngũ nghiên của Viện sỹ Viên Long Bình, giống lúa lai thế hệ thứ ba mà Trung Quốc đang nghiên cứu sẽ cho năng suất đạt mức cao kỷ lục.
Theo kết quả mà đội ngũ nghiên cứu của Viện sỹ Viên Long Bình – chuyên gia hàng đầu về lúa lai của Trung Quốc thông báo hôm 2/11, năng suất trung bình lúa muộn của giống lúa lai thế hệ thứ 3 mà đơn vị này đang triển khai thử nghiệm tại cơ sở thử nghiệm giống lúa ở huyện Hằng Nam, tỉnh Hồ Nam sẽ đạt 911,7kg/mẫu (khoảng gần 13,8 tấn/ha). Trước đó, năng suất lúa sớm của của giống lúa này được công bố vào tháng 7 vừa qua là 619,06 kg/mẫu (khoảng 9,4 tấn/ha).
Như vậy năng suất của lúa sớm vụ kép mà nước này đang nghiên cứu dự kiến đạt 1.530,76kg/mẫu (khoảng 23,2 tấn/ha) – tiếp tục phá kỷ lục thế giới về năng suất lúa sớm vụ kép.
“Đây là thành quả nhờ sự nỗ lực của tất cả mọi người, việc vượt mục tiêu 1.500kg/mẫu có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là tại Hồ Nam – quê hương của lúa lai. Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai trên các địa phương khác của Trung Quốc”, Viện sỹ Viên Long Bình nói.
Viện sỹ Viên Long Bình và giống lúa lai thế hệ thứ ba của Trung Quốc. (Ảnh: Sina)
Viện sỹ Viên Long Bình được mệnh danh là “vua lúa lai” tại Trung Quốc. Dự án giống lúa sớm vụ kép được đội ngũ nghiên cứu của ông này triển khai từ năm 2015, với mục tiêu đạt năng suất 22,5 tấn/ha vào năm 2020.
Trước đó, hồi đầu tháng 10 vừa qua, giống lúa thích nghi với nước ngập mặn do đội ngũ nghiên cứu của ông Viên Long Bình hợp tác với Sở nông nghiệp tỉnh Giang Tô cũng cho năng suất đạt 802,9kg/mẫu (khoảng 12,2 tấn/ha) – đạt kỷ lục về năng suất lúa tại vùng nước ngập mặn.
Với 1,4 tỷ dân (chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu), trong khi diện tích đất nông nghiệp chỉ có chưa đến 1/10 của thế giới, đối mặt với hàng loạt các thách thức như đô thị hóa, ô nhiễm môi trường làm giảm diện tích đất canh tác, chất lượng đất canh tác suy giảm trong nhiều năm qua Trung Quốc đã tiêu tốn hàng tỷ USD cho kỹ thuật tưới tiêu, nuôi giống, tự động hóa… nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu lương thực của chính mình.
Năm 2020, sản lượng lương thực dự kiến của Trung Quốc tiếp tục vượt mốc 650 triệu tấn, sản lượng lương thực trung bình của mỗi người dân trên 470kg, đây cũng là năm thứ 16 liên tiếp tăng trưởng sản lượng lương thực của nước này kể từ năm 2004 đến nay.
Mặc dù Trung Quốc về cơ bản đã có thể tự đảm bảo nguồn cung lương thực cho chính mính, tuy nhiên, an ninh lương thực vẫn luôn là một trong những thách thức và nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền nước này.
Theo các chuyên gia thì Trung Quốc hiện là nước sản xuất và tiêu dùng gạo lớn nhất trên thế giới, chiếm 30% tổng sản lượng cũng như tổng tiêu thụ gạo toàn cầu./.
Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh
- TAG:
- Giống lúa lai