Những năm gần đây, hồng không hạt đã trở thành loại cây trồng thế mạnh, giúp cho bà con vùng tỉnh Bắc Kạn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hồng không hạt từ lâu là loại trái cây đặc sản của đồng bào miền núi Bắc Kạn với vị giòn, thơm ngon ít nơi nào […]
Những năm gần đây, hồng không hạt đã trở thành loại cây trồng thế mạnh, giúp cho bà con vùng tỉnh Bắc Kạn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hồng không hạt từ lâu là loại trái cây đặc sản của đồng bào miền núi Bắc Kạn với vị giòn, thơm ngon ít nơi nào có được. Những năm gần đây, hồng không hạt đã không chỉ còn là quà quê dịp tết Trung thu mà đã trở thành loại cây trồng thế mạnh, giúp cho bà con vùng cao nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hồng không hạt từ lâu là loại trái cây đặc sản của đồng bào miền núi Bắc Kạn
Vùng hồ Ba Bể là nơi xuất xứ của cây hồng không hạt. Cũng chính vì vậy, huyện Ba Bể và một số xã ven hồ trở thành vùng trọng điểm trồng hồng không hạt tại tỉnh Bắc Kạn. Trước đây, mỗi nhà có chỉ trồng 1 vài cây trong vườn, cũng chẳng mấy ai nghĩ có ngày sẽ trở thành hàng hóa.
Thứ quả chín rộ đúng mùa trung thu trở nên đắt hàng khi những tuyến giao thông được nối liền từ bản nọ, làng kia đến thành phố, quả hồng theo chân du khách đi xa hơn tới các phố thị miền xuôi. Quả hồng thường chín rộ vào dịp tháng 8 âm lịch, màu vàng đỏ, thơm giòn, vị ngọt dịu và có cát đường sau lớp vỏ mỏng. Thứ quà quê này chiều lòng được tất cả những thực khách khó tính nhất.
Anh Vy Công Tuấn, một du khách ở thành phố Hà Nội chia sẻ: “Tôi thích ăn hồng Bắc Kạn vì quả ngon, giòn. Thường cứ độ đến trung thu tôi hay nhờ người quen trên ấy mua rồi gửi về để làm quà cho anh em, họ hàng. Hoặc dịp đi công tác trên ấy thấy bà con bán dọc đường tôi vẫn mua về làm quà”.
Có đầu ra, có thị trường rộng mở nên diện tích trồng hồng cũng tăng lên nhanh chóng. Từ mỗi nhà vài cây, đến nay, cả tỉnh Bắc Kạn đã có tới trên 800 ha, tập trung tại các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn. Riêng huyện Ba Bể có tới hơn 300 ha hồng không hạt đã cho thu hoạch, diện tích vẫn đang tiếp tục được người dân nâng lên. Nhà ít có vài chục gốc, nhà trồng nhiều lên tới 1-2 ha. Nếu được mùa, được giá, mỗi ha có thể cho bà con thu nhập hơn 200 triệu đồng/vụ.
Vùng hồ Ba Bể là nơi xuất xứ của cây hồng không hạt
Ông Đồng Văn Lợi ở thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể còn có cách làm táo bạo hơn, đó là thành lập mô hình hợp tác xã với 10 thành viên là những người dân địa phương. Hiện hợp tác xã Đại Lợi của ông hiện có diện tích trồng hồng hơn 10 ha, không chỉ trồng, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, đơn vị còn triển khai cả mô hình làm hồng sấy dẻo. Ông Lợi cho biết, năm nay dù nhiều diện tích bị bệnh thán thư nhưng cây hồng vẫn cho thu nhập ổn định.
“Năm nay sản lượng có khả quan hơn năm ngoái dù có dịch bệnh, giá cả cũng ổn định hơn từ 23.000 – 25.000 đồng/kg. Hiện nay do đầu mùa sản lượng còn ít nên chủ yếu bán cho tư thương, các thương lái đến tận thôn bản thu mua, đầu ra rất dễ”, ông Lợi nói.
Hiện mỗi năm tỉnh Bắc Kạn có khoảng 2.400 tấn quả hồng không hạt, số lượng này chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Bắc Kạn và một số tỉnh lân cận. Năm 2010, tỉnh Bắc Kạn đã thành công khi hồng không hạt đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Năm 2013, sản phẩm này cũng lọt vào Top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng.
Năm 2019, Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt Bắc Kạn cũng đã được tỉnh Bắc Kạn tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Sản phẩm OCOP này đã có bước tiến xa trên thị trường khi đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tại thành phố lớn.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 800 ha hồng không hạt
Ông Nông Quang Nhất, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm việc quảng bá, giới thiệu tìm đầu ra cho quả hồng.
“Trong giai đoạn mới, Sở NN&PTNT cũng đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND đưa ra cơ chế chính sách mới hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó có định hướng phát triển cây hồng. Trong đó có hỗ trợ cơ sở hạ tầng các vùng, điểm có hợp tác xã hoặc nơi trồng cây ăn quả để làm sao thuận tiện cho việc mở rộng diện tích nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả”, ông Nhất cho biết thêm.
Cùng với những loại như cây chè, mơ, cam quýt, dong giềng,… cây hồng không hạt đang trở thành cây trồng thế mạnh của đồng bào vùng cao Bắc Kạn. Thứ quà quê dịp tết Trung thu nay đã vươn xa hơn trên thị trường, thành một thương hiệu uy tín giúp người dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương./.
Công Luận/VOV-Đông Bắc