A. Thông tin chung – Cơm trái sầu riêng chiếm 20 – 35% trọng lượng trái, hột chiếm 5 – 15%, nó chiếm 55 – 56%. – Cơm trái và hột chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu carbohydrate, protein, chất béo, khoáng và vitamin. Mùi thơm của sầu riêng do các thiols hoặc thioethers và […]
A. Thông tin chung
– Cơm trái sầu riêng chiếm 20 – 35% trọng lượng trái, hột chiếm 5 – 15%, nó chiếm 55 – 56%.
– Cơm trái và hột chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu carbohydrate, protein, chất béo, khoáng và vitamin. Mùi thơm của sầu riêng do các thiols hoặc thioethers và sulfides.
– Trong 100g sầu riêng ăn được chứa 66,8g nước, 2,5g protein, 2,5g chất béo, 1,4g chất sợi, 0,8g tro, 28,3g carbohydrate, 0,9mg sắt, 601 mg Potassium, 0,27 mg thiamine, 1 mg muối natri, 0,29 mg riboflavin, 1,2 mg niacin, 20 mg calcium, 63 mg phosphorus, 57 mg Vitamin C, 10 IU vitamin A và 520 KJ năng lượng.
B. Giống
– Hiện nay, Thái Lan và Mã Lai đã chọn được nhiều giống sầu riêng tốt. Các giống sầu riêng nổi tiếng của Thái Lan gồm có Mong Thong No 1, Khan Yao, Chanee, Kradum Thong, Luang và Kob. Các giống của Mã Lai là D2 (Dato Nina), D7, D10 (Durian Hijau) D24, D98 (Ka toi), D99, D114 và D117 (Gombak). Các giống của Indonesia gồm Sunan Sukun, Hepe, Mas, Sitokong và Petruk.
– Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trồng nhiều giống sầu riêng, trong đó có một số giống khá phổ biến hiện nay như :
+ Sầu riêng Khổ qua xanh: vỏ trái vẫn còn màu xanh khi chín, trái hơi dài, chóp trái nhọn, có khía rõ, gai nhỏ, cuống trái ngắn nhỏ. Cây sai trái, trái nhỏ nặng trung bình 2 – 3 kg. Cơm mỏng, phẩm chất khá. Trồng nhiều ở Tiền Giang.
+ Sầu riêng khổ qua vàng: trái có màu vàng nhạt khi còn non, khi chín vỏ trái có màu vàng. Trọng lượng trái và phẩm chất tương tự giống khổ qua xanh. Ít được ưa chuộng so với giống khổ qua xanh vì năng suất thấp hơn.
+ Sầu riêng khổ qua hột lép: trái màu xanh vàng nhạt, gai to, thưa, chóp trái phẳng, cuống trái dài, to. Năng suất khá (100 – 200 trái/cây/năm). Trái nặng 1,5 – 3 kg, dầy cơm, phẩm chất ngon, tỷ lệ hột lép trong trái khá cao. Được biết nhiều ở Tiền Giang.
+ Sầu riêng Sữa hột lép: trái tròn, vỏ trái màu vàng nâu khi chín, cơm dầy màu vàng, hột lép nhiều, ít xơ, ngọt, béo, thơm. Năng suất trung bình. Trái nặng 2 – 3 kg, có thể thu hoạch trước trên cây. Đây là giống nổi tiếng ở vùng Chợ Lách (Bến Tre).
– Ngoài ra, còn có một số ít giống phổ biến khác như: sầu riêng Bí Rợ, Vàm Xẻo, Sáp,… và một số giống sầu riêng nhập từ Thái Lan, Mã Lai đang được trồng thử nghiệm ở nhiều nơi.
– Về tiềm năng năng suất, trọng lượng trái thương phẩm thay đổi từ 1,5 – 4 kg, cá biệt cũng có trái nặng đến 8kg.
C. Kỹ thuật trông sầu riêng
I. Nhân giống
Sầu riêng có thể được nhân giống bằng hột, tháp mắt, tháp cành, tháp đọt và chiết. Cây trồng bằng trái và năng suất không được ổn định, cây rất lâu cho trái (mất từ 7 – 12 năm) và có chiều hướng phát triển khung tán rất to gây trở ngại cho việc chăm sóc. Do đó phương pháp nhân giống vô tính thường được áp dụng rộng rãi hơn. Hiện nay ở ĐBSCL sầu riêng thường được trồng bằng cây tháp và chiết.
1.1 Phương pháp tháp mắt
a) Chuẩn bị gốc tháp:
– Hột thường được chọn từ những trái chín đầy đủ. Sau khi chà sạch cơm, loại bỏ những hột xấu lép rửa sạch, xử lý thuốc sát khuẩn trước khi đem ươm. Hột mất sức nẩy mầm nhanh nên cần gieo ngay. Đem trải đều hột kề nhau trên đất ẩm, phía trên phủ tro trấu, tưới nước giữ ẩm hàng ngày. Sau khi hột nẩy mầm (8 – 17 ngày) đem cấy vào liếp.
– Đất liếp cấy hột sầu riêng phải cuốc sâu 30 cm để rễ cái phát triển tốt. Cấy hột với khoảng cách 30 x 30 cm. Đặt phần tễ hột úp xuống dưới, 1/2 phần đáy hột hướng lên trên. Khi cấy hột xong tủ cỏ lại và tưới nước giữ ẩm hàng ngày. Rải thuốc trị kiến, xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh thường xuyên và dùng phân N-P-K tưới để cây con phát triển tốt. Có thể dùng Derosal, Carbendazim, Bavistime, Appencab để phòng trị chết cây con. Cây con phát triển có 1 – 3 thân, chỉ cần giữ lại 1 thân chính khỏe mạnh. Nên che mát ánh sáng 50% để cây ít bị cháy lá và chậm tăng trưởng (do quang phân hóa).
– Có thể ươm hột trong bầu đất. Đặt hột ở 1/3 chiều cao bầu, thêm đất trộn tro trấu vào đầy dần bầu theo sự phát triển của rễ hột.
– Cây con sử dụng làm gốc tháp phải có tuổi thích hợp tùy theo phương pháp tháp. Gốc khoảng 3 – 5 tháng tuổi được dùng làm gốc tháp cành, tháp đọt; gốc 1,5 – 3 năm tuổi dùng tháp mắt. Lưu ý khi dùng gốc tháp non (tháp cành, tháp đọt) phải chăn sóc thật kỹ khi đem trồng vì cây dễ bị chết do rễ phát triển kém.
b) Mùa vụ tháp:
Đối với sầu riêng, tiến hành tháp vào khoảng tháng 6-9 dl hàng năm là tốt nhất vì trong những tháng này có nhiệt độ và ẩm độ thích hợp nên tháp cây rất dễ dính. Sầu riêng cũng được tháp trong mùa nắng, có thể cắt ngọn gốc tháp trước, bứng vô bầu đem đặt vào chỗ thoáng mát để tiến hành tháp. Tỷ lệ tháp dính so với tháp trong mùa mưa kém hơn.
c) Kỹ thuật tháp:
– Có nhiều kiểu tháp, nhưng kiểu tháp theo chữ U xuôi là phổ biến nhất. Mở miệng tháp trên gốc tháp cách mặt đất khoảng 25 – 30 cm, nhánh mũi dao làm trầy phần gỗ bên trong. Miệng tháp dài khoảng 2 – 2,5 cm, rộng khoảng 1 – 1,5 cm. Dùng dao rọc một đường chia lớp vỏ đậy miệng tháp làm 2 phần lớn của vỏ đậy một lỗ nhỏ tròn để khi đặt mắt tháp vào không bị cấn dập.
– Mắt tháp (còn gọi là bo tháp) được lấy từ những mầm vừa nhú lên từ nách lá (nông dân thường gọi là hột gạo) trên cành. Cắt cuống lá trước 3 – 4 ngày trước khi lấy bo tháp. Bo tháp được lấy theo kích thước hơi nhỏ hơn miệng tháp. Luồn bo tháp vào miệng tháp đậy vỏ miệng tháp lại sao cho mầm tháp nhú ra ngoài từ nơi khoét lỗ. Dùng một đoạn lá dừa dài khoảng 5 cm, rộng 2 cm có khoét lỗ ở giữa đậy lên kín miệng tháp, dùng dây thun buộc lại. Đầu trên lá dừa phải buộc chặt để nước không thấm vào trong, phía ngoài chỗ tháp được quấn dây thu vừa phải làm cấn giập mầm tháp. Nếu phải lấy mắt tháp ở nơi xa, sau khi cắt cành nhúng nước giữ ẩm ở gốc cành rồi dùng lá chuối bó lại. Không được nhúng ướt cả cành vì dễ làm hư mắt tháp. Mắt tháp sầu riêng có thể giữ được tốt trong vòng 1 ngày.
– Sau khi tháp 20 ngày thì mở dật thun, nếu tháp dính thì ngày thứ 25 có thể cắt đọt gốc tháp cho mầm phát triển. Khoảng 4 – 6 tháng sau khi cắt đọt , nếu cây con phát triển tốt thì có thể đem trồng.
1.2 Phương pháp tháp cành
Có hai phương pháp tháp cành là tháp nêm (ghép nêm) và tháp ngọn (ghép đọt)
a) Tháp nêm:
– Chuẩn bị gốc tháp: Sử dụng gốc tháp khoảng 3 – 5 tháng tuổi, phần thân thật (phía trên trục hạ diệp) có đường kính 3 – 4 m.
– Chọn cành tháp: Chọn cành tháp còn non, lá màu xanh vàng nhạt, đường kính thân cành khoảng 3 – 4 mm, dài 20 – 30 cm. Có thể chọn cành non mọc trên các cành chính hay trên thân chính.
– Chuẩn bị giàn tháp: Khi tháp các cành non mọc từ cành chính trên cao thì cần làm giàn treo bầu gốc tháp. Cắm 2 cọc tràm hay tre ở gốc cành chính (sát gốc thân) và phía ngoài ngọn cành, sau đó buộc thắt dài 1 sào tre (hay tràm) nối 2 đầu cọc, song song sát với cành chính buộc các bầu gốc tháp vào tương ứng với các cành tháp.
– Cách tiến hành:
+ Dùng dao cắt ngang thân gốc tháp ở vị trí cách trên trục hạ diệp (phần thân to mềm, mọc ra đầu tiên từ hột) 2 – 3 cm. Chỗ cắt cách mặt đất 10 – 15 cm tùy theo trục hạ diệp dài hay ngắn. Dùng lưỡi lam vuốt mỏng dần 2 bên ngọn gốc tháp còn lại thành hình lưỡi gà mỏng, dài khoảng 2cm.
+ Dùng dây nylon buộc treo gốc tháp vào giàn ở vị trí thích hợp với cành tháp.
+ Dùng lưỡi lam cắt sâu vào giữa lõi cành tháp theo chiều xiên về phía ngọn cành, dài khoảng 2 – 2,5 cm để tạo miệng tháp. Luồn phần lưỡi gà của gốc tháp vào miệng tháp. Dùng vải nylon (rộng 1 cm, dài 50 cm) buộc miệng tháp lại từ dưới lên trên theo hình mái ngói để tránh đọng nước.
+ Tưới giữ ẩm thường xuyên bầu gốc tháp khoảng một tháng sau khi tháp có thể cắt đem bầu cây tháp xuống.
+ Phương pháp này có nhược điểm là dễ gãy nơi vết tháp nếu trồng trong vùng có gió mạnh (Duyên Hải, Sông Bé,…) dễ chết nếu trồng trong mùa mưa do vết tháp dễ nhiễm vi khuẩn.
b Tháp ngọn: Tháp ngọn sử dụng gốc tháp 2 – 4 tháng tuổi và phải chuẩn bị cành tháp 10 – 20 ngày trước khi tháp (khấc, bón P, K). Đọt tháp chỉ cần một đoạn có mang lá non (phương pháp Thái Lan). Dùng dao bén hay lưỡi lam cắt ngang gốc tháp ở độ cao thích hợp sau đó chẻ ở vết cắt sâu 1,5 cm. Dùng dao bén vuốt đọt tháp thành dạng mũi nêm và đặt vào vết chẻ trên gốc tháp. Chú ý sao cho tượng tầng gốc tháp và ngọn tháp tiếp xúc với nhau. Sau đó dùng dây cao su quấn chặt chỗ tháp theo kiểu mái ngói. Phương pháp này có ưu điểm là không bị gẫy nơi vết tháp khi trồng sau này.
1.3 Phương pháp chiết cành
– Mùa chiết: Từ tháng 3 -10 dl (tốt nhất là tháng 3 – 4 dl).
– Chọn cành chiết: Chọn cành mọc xiên ngoài tán khỏe mạnh, dài khoảng 1 mét, đường kính 5 – 10 mm, lá màu xanh vàng nhạt (mới chuyển từ non qua trưởng thành), lá đọt chưa nở. Nếu chọn cành có lá màu xanh đậm thì chiết khó ra rễ. Các nhánh chèo (nhánh thứ cấp) trên cành chiết cũng có lá non chưa nở ra.
– Kỹ thuật chiết cành:
+ Khoanh một đoạn vỏ dài 4 – 8 cm (tùy theo đường kính cành chiết). Chiều dài từ chỗ khoanh vỏ đến ngọn cành dài 50 – 70 cm. Khoanh theo kiểu tướt vỏ. Sau khi lột vỏ, dùng vải sạch lau tượng tầng libe (rất mỏng). Tránh cọ xát mạnh làm tổn thương lỏi cây dễ gây thối cành.
+ Sau khi khoanh vỏ để ráo nhựa khoảng 2 – 3 ngày. Tiến hành bó bầu bằng rơm trộn bùn sông (nên dùng rơm đã giặt sạch phơi khô và bùn không có phèn). Có thể sử dụng thuốc kích thích ra rễ của Đại học Cần Thơ (1.000 ppm NAA) lên phía trên vết khoanh trước khi bó bầu. Vài ngày sau, khi thấy rơm bó ngoài bầu chiết khô thì tiến hành bó nylon và che lá chuối khô phía trên bầu chiết (hướng nắng phía Tây để hạn chế ánh sáng) giúp rễ mọc ra. Tùy giống và mùa vụ, khoảng từ 35 – 40 ngày (nếu có sử dụng thuốc kích thích ra rễ) đến 45 – 60 sau thì bầu chiết ra rễ. Tiến hành cắt cành giâm vào bầu đất, che mát, được 1 tuần thì đưa dần ra nắng. Khoảng 1 – 2 tháng sau thì đem trồng.
– Nếu chiết vào giai đoạn mưa nhiều (từ tháng 8 dl trở đi) nên dùng rễ lục bình bóc bầu để tránh quá ẩm gây thối. Các điểm cần lưu ý khi chiết cành.
+ Chọn cành đúng tuổi (quan trọng).
+ Bầu chiết bị thối do quá ẩm hay ngộ độc (do rơm tươi, rễ lục bình không được giặt sạch,…).
+ Kiến làm tổ do che lá chuối khô gây hư hại cành chiết.
+ Khả năng ra rễ còn tùy thuộc vào giống.
II. Chuẩn bị đất trồng
– Có thể trồng liếp đơn hay liếp đôi. Nếu bố trí liếp đơn trồng 1 hàng, thì liếp rộng 5 – 6 m, mương rộng 2 – 3 m. Nếu liếp đôi trồng 2 hàng. Thì liếp rộng 10 – 12 m, mương rộng 4 – 5 m. Lưu ý xẻ thêm mương phèn trên liếp để thoát nước nhanh trong mùa mưa. Ở vùng cao, sầu riêng được trồng trên đất bằng thường có tuổi thọ cao hơn.
– Cần trồng cây chắn gió (tre, lục bình,…) chung quanh vườn để chắn bốt gió, giảm việc rụng hoa, trái, tổn thương lá,…Trong những năm đầu cho trái nếu cây sai trái thì cần chống đỡ để tránh gãy nhánh.
– Ở ĐBSCL nên trồng trên mô và bồi liếp tăng dần chiều dầy tầng canh tác, tránh úng rễ do nước ngập hàng năm. Trộn mỗi mô đất với tro trấu, phân chuồng hoai mục và khoảng 0,5 kg super lân. Mô rộng khoảng 1 – 2 m, cao 0,3 – 0,5 m tùy địa hình.
III. Kỹ thuật trồng vă chăm sóc
3.1 Khoảng cách trồng
Khoảng cách cây cần thay đổi tùy loại cây giống. Khoảng cách trồng trung bình 8 x 8m. Trồng một hàng trên liếp đơn hay hai hàng theo hình nanh sấu trên liếp đôi.
3.2 Trồng vă chăm sóc cây con
– Loại bỏ vật liệu làm bầu, đặt cây vào lỗ đào trên mô, lấp đất vừa quá mặt bầu cây con, ém đất xung quanh gốc. Cắm cục giữ cây, tưới đẫm nước. Dùng rơm hay cỏ khô đậy mô giữ ẩm. Cần che mát cây con trong thời kỳ đầu. Khi cây phát triển qua 1 mùa khô thì loại bỏ dần vật liệu che mát.
– Nếu bứng bầu đất thì sau khi bứng nên để bầu cây con nằm ngang trên mặt đất ở nơi thoáng mát vài ngày mới trồng vào đất.
– Che nắng hướng Tây trong 12 tháng đầu, nhất là vào các tháng nắng chiều, vì cây phát triển rất chậm trong điều kiện nắng gắt.
Kỹ thuật trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép, Nguồn: Hội nông dân Cần Thơ.