Thời gian gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Châu Thành đã và đang được nhân rộng. Trong đó, điển hình là mô hình trồng nấm rơm dạng trụ của hộ anh Dương Văn Tài, nông dân ấp Hòa Lợi 3, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh […]
Thời gian gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Châu Thành đã và đang được nhân rộng. Trong đó, điển hình là mô hình trồng nấm rơm dạng trụ của hộ anh Dương Văn Tài, nông dân ấp Hòa Lợi 3, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Tôi đến thăm mô hình trồng nấm rơm hình trụ của anh Dương Văn Tài vào những ngày cuối tháng 11/2019. Anh Tài đang tất bật vận chuyển rơm cuộn để trữ rơm cho những vụ nấm tiếp theo.
Mùa này đang thu hoạch lúa vụ Thu Đông, những ai đang trồng nấm rơm phải tranh thủ vựa rơm. Để có nguyên liệu đạt yêu cầu, anh đã hợp đồng với chủ máy cuốn rơm, rơm cuộn phải khô thì thời gian trữ mới lâu và không bị hư.
Trồng nấm rơm dạng trụ, gia đình anh Tài thu hoạch được nhiều nấm rơm hơn cùng khối lượng nguyên liệu và diện tích.
Anh Tài cho biết: “Trước đây tôi trồng nấm rơm ngoài trời nhiều năm liền. Với diện tích mỗi năm khoảng 600 công rơm. Tuy nhiên, từ năm 2008 diện tích thu hoạch lúa bằng máy cuốn rơm tăng, làm cho người trồng nấm như tôi thấy khó khăn trong khâu thu gom rơm, lợi nhuận mô hình trồng nấm rơm ngoài trời không cao, mức độ ảnh hưởng từ thời tiết nhiều, khi trúng khi thất, từ đó hiệu quả bấp bênh nên tôi không thực hiện nữa…”.
Năm 2017, anh Dương Văn Tài chuyển qua mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ, hiệu quả cao hơn gấp đôi so với trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, qua nhiều vụ nấm cho thấy trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ có nhiều điểm chưa phù hợp.
Với cách bố trí mỗi giàn kệ có 3-4 tầng, nhà trồng nấm rơm có từ 2-3 giàn kệ nên ảnh hưởng đến độ thông thoáng, hay xảy ra tình trạng ngộp, nấm chỉ tập trung ra những tầng phía dưới, tầng trên cho nấm kém. Mặt khác, chi phí đầu tư kệ cũng khá cao và gây khó khăn cho khâu vệ sinh trại.
Thêm vào đó, lượng nguyên liệu đưa vào các tầng kệ cho một vụ nấm rơm không nhiều. Nhà trồng có diện tích 40 m2, đầu tư 2 giàn kệ, mỗi giàn kệ có 3 tầng thì lượng rơm sử dụng để chất nấm khoảng 20 cuộn (mỗi cuộn tương đương 15 kg rơm), nên chưa tận dụng tối đa hiệu quả diện tích nhà trồng nấm.
Trồng nấm rơm dạng trụ, gia đình anh Tài vừa dễ thu hoạch, chăm sóc, bấm rơm đẹp, bán với giá cao hơn so với trồng nấm rơm ngoài trời, trồng nấm rơm dạng kệ.
Đến tháng 05/2019, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của trạm Khuyến Nông huyện Châu Thành, anh Tài mạnh dạn đầu tư 1 nhà trồng nấm theo dạng trụ và 1 nhà trồng theo dạng kệ để đối chứng, mỗi nhà có diện tích 42 m2.
Sau thời gian thực hiện gần 1 tháng , năng suất nấm theo dạng trụ đạt được khá cao 4,2kg/ trụ/1,4 cuộn rơm. Với diện tích 42 m2/30 trụ rơm thu được 126kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận mang lại hơn 3,5 triệu đồng.
Đối với nhà trồng theo dạng kệ anh Tài chỉ thu được 43kg nấm/36m mô, lợi nhuận đối với nhà trồng dạng kệ khoảng 500.000 đồng/vụ.
Thấy được hiệu quả của mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, anh Tài đã tiếp tục đầu tư thêm 3 trại, đến nay sau 5 vụ trồng liên tục nhưng năng suất nấm rơm vẫn ổn định.
Với quy trình sản xuất nấm rơm an toàn, không sử dụng hóa chất trong suốt quá trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm nấm rơm dạng trụ trong nhà được tăng lên, dễ bán hơn và giá bán cao hơn so với nấm rơm ngoài trời.
Trồng nấm rơm dạng trụ được xem là mô hình mới, vì tận dụng tối đa diện tích nhà trồng, chất rơm theo dạng trụ giúp dễ chăm sóc, dễ thu hoạch và thuận lợi trong khâu vệ sinh trại.
Theo Phạm Thị Như (Cổng TTĐT Sở NN PTNT tỉnh An Giang)