Lân nung chảy Ninh Bình, NPK Ninh Bình ‘tiếp sức’ cà phê, chè

Niên vụ vừa qua, nhiều vườn cà phê và chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cho chất lượng vượt trội, năng suất ổn định. Có được thành quả trên, là nhờ nông dân đổi mới trong tư duy đầu tư SX và được tiếp thêm lực từ lân nung chảy, NPK Ninh […]

Niên vụ vừa qua, nhiều vườn cà phê và chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cho chất lượng vượt trội, năng suất ổn định. Có được thành quả trên, là nhờ nông dân đổi mới trong tư duy đầu tư SX và được tiếp thêm lực từ lân nung chảy, NPK Ninh Bình.

Niên vụ 2018 – 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện mô hình sử dụng lân nung chảy và NPK Ninh Bình trên cây cà phê và chè cành cao sản.

Để thuận tiện trong việc triển khai và so sánh kết quả, vườn mô hình và vườn đối chứng đã được triển khai. Vườn mô hình và vườn đối chứng trồng cà phê thuần đang trong giai đoạn kinh doanh, được bố trí tại hộ ông Trần Văn Tiến (thôn 6, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Lô mô hình (có diện tích 0,5ha) sử dụng 1.000kg phân lân nung chảy Ninh Bình và 400kg NPK 16:16:8. Lô đối chứng (có diện tích 0,5ha) sử dụng 600kg NPK 16:16:8-13S + TE. Phương pháp bón: Bón theo tán cà phê, đào rãnh sâu 5 – 7cm, bón làm 3 đợt (tháng 6, tháng 8 và tháng 10).

Phân bón Ninh Bình ngày càng được nông dân ưa chuộng

Đối với cây chè, 2 lô chè cao sản TB 14 trồng thuần (mỗi lô rộng 0,2ha) được bố trí tại hộ ông Đặng Văn Thiêm (thôn 11, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc). Trong đó, vườn chè mô hình sử dụng 500kg NPK 20.6.6; vườn chè đối chứng sử dụng 260kg ure, 226kg kaliclorua và 68kg super lân.

Bón phân theo tán chè khi ẩm độ đạt khoảng 80%, đào rãnh sâu từ 5 – 10cm. Vườn trình diễn chia làm 4 lần bón, mỗi lần bón cách nhau 30 ngày, bón sau khi thu hoạch búp chè và kết hợp xới xáo làm cỏ. Vườn đối chứng bón phân đạm và kali chung, chia làm 4 lần bón, phân lân bón vào đầu vụ (1 lần vào tháng 5).

Với phương phát thực hiện như trên, hiệu quả mang lại tương đối rõ rệt. Nhà nông Trần Văn Tiến nhận định, vườn mô hình cà phê và vườn cà phê đối chứng đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, càng về sau, vườn mô hình có sử dụng lân nung chảy Ninh Bình càng cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội: Cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, lá dày, bóng, căng đều, cành dự trữ phát triển dài, dễ thu hái nhờ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất như lân, vôi, silic và magie. Những dưỡng chất trong lân Ninh Bình đã kích thích sự phát triển bộ rễ, rễ ăn sâu vào trong đất và lan rộng ra xung quanh, giúp cây trồng hút được nhiều dinh dưỡng, tăng khả năng chống chịu nắng hạn, ít sâu bệnh – nhất là trong những thời điểm thời tiết cực đoan.

Về mặt năng suất, vườn cà phê mô hình có năng suất cao hơn vườn đối chứng không nhiều (khoảng 7,8%). Tuy nhiên, hệ thống cành dự trữ rất nhiều, lá xanh, dầy… Đó là những yếu tố giúp vườn mô hình cho năng suất cao hơn trong những niên vụ tiếp theo.

Cà phê được bón lân nung chảy Ninh Bình cho năng suất cao, cành dự trữ rất nhiều, lá xanh, dày

Về mặt đầu tư, kinh phí đầu tư cho vườn mô hình là 16 triệu đồng (cao hơn 400 ngàn đồng so với vườn đối chứng). Tuy nhiên, nhờ năng suất cao hơn nên hiệu quả kinh tế mà vườn mô hình tăng gần 8.600.000 đồng so với vườn đối chứng.

Đối với vườn chè cành cao sản TB 14, nhà nông Đinh Văn Thiêm nhận định: Vườn mô hình và vườn đối chứng đều phát triển tốt. Nhưng, càng về sau, vườn chè mô hình càng bộc lộ nhiều ưu điểm nhờ sử dụng NPK 20.6.6 Ninh Bình: Cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, búp mập hơn, xanh bóng, giòn, dễ thu hoạch, thời gian giữa 2 lứa hái được rút ngắn từ 2 – 3 ngày so với vườn đối chứng, hạn chế tỷ lệ búp xòe, dịch hại trong vườn giảm… Nhờ đó mà năng suất của vườn mô hình tăng hơn 376kg búp tươi/0,2ha/5 lứa hái (tăng tương đương 10,1%). Kéo theo, lãi của vườn chè mô hình cao hơn 2,4 triệu đồng so với vườn đối chứng…

Từ những kết quả đó, KS Phạm Thanh Sơn, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho rằng, sử dụng phân lân nung chảy Ninh Bình và phân NPK 20.6.6 Ninh Bình là rất tốt và cần thiết cho cà phê và chè. Ngoài cung cấp lân, thì lân nung chảy Ninh Bình còn cung cấp nhiều nguyên tố khác, như silic, magie, bo, kẽm… Đặc biệt có bổ sung thêm vôi nhằm cải tạo đất, nâng cao độ pH, tạo môi trường thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Như Đức, Phó Giám đốc Cty CP Phân lân Ninh Bình cho biết, Cty đang phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân trồng cà phê và chè tham quan các mô hình trình diễn, kết hợp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Qua đó, từng bước giúp nhà nông thay đổi dần tập quán canh tác, nhất là bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, hạn chế tình trạng sử dụng phân bón thiếu khoa học, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường…

LÂM NINH