Nhiều năm qua, bưởi da xanh được xem là một trong những loại trái cây “hot” ở ĐBSCL bởi luôn được giá cao và sản lượng không đủ xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, những ngày gần đây, bưởi da xanh rớt giá thê thảm, khó tiêu thụ, cộng với bị nước […]
Tin liên quan
Nhiều năm qua, bưởi da xanh được xem là một trong những loại trái cây “hot” ở ĐBSCL bởi luôn được giá cao và sản lượng không đủ xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, những ngày gần đây, bưởi da xanh rớt giá thê thảm, khó tiêu thụ, cộng với bị nước mặn tấn công… khiến nhiều nông dân như ngồi trên lửa.
Giá bưởi giảm mạnh
Giá bưởi da xanh ở ĐBSCL giảm mạnh, tiêu thụ rất chậm.
Với khoảng 8.000ha bưởi da xanh đặc sản được trồng ở TP Bến Tre và các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm… tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích bưởi da xanh lớn nhất ĐBSCL. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ((NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, thống kê bình quân cho thấy thu nhập từ bưởi da xanh của nông dân ở các huyện đạt khoảng 500 triệu đồng/héc-ta trở lên. Với hiệu quả kinh tế cao như vậy, diện tích bưởi da xanh không ngừng phát triển.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn bưởi da xanh rộng hơn 8 công của gia đình mình, ông Đào Văn Minh, ngụ ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bộc bạch: “Chỉ với ngần ấy diện tích nhưng bình quân mỗi năm vườn bưởi của gia đình tôi cho thu nhập trên dưới khoảng 1 tỉ đồng. Tôi trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP nên thường được thương lái thu mua với giá khá cao”.
Theo ông Minh, đó là chuyện của thời gian trước, chứ còn hiện nay thì tình hình tiêu thụ bưởi da xanh đã đảo chiều theo hướng ùn ứ, ế ẩm. Nhìn những trái bưởi to đã quá kỳ thu hoạch nhưng chưa thể bán được, ông Minh nói: “Ước tính sơ bộ lúc này trong vườn có hơn 1 tấn bưởi da xanh chín cây nhưng chưa thể hái. Nếu như thời điểm trước Tết Canh Tý 2020 giá bưởi da xanh từ 40.000 đồng/kg trở lên thì hiện nay tôi kêu bán giảm phân nửa, chỉ 20.000 đồng/kg mà thương lái chần chừ không mua”.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Tính, canh tác 6 công bưởi da xanh ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, than thở: “Lâu nay, bưởi da xanh ít bao giờ sụt giảm xuống mức 20.000 đồng/kg, nhưng bây giờ giá rớt khá mạnh khiến nông dân trồng bưởi vô cùng lo lắng. Giá bưởi da xanh giảm liên tục từ sau Tết Canh Tý 2020 khi tình hình dịch bệnh (dịch COVID-19) phức tạp”.
Những thương lái chuyên thu mua bưởi da xanh ở ĐBSCL và một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nhìn nhận, nhiều năm qua cùng với việc tiêu thụ nội địa ở TP Hồ Chí Minh, miền Bắc, miền Trung… phần lớn bưởi da xanh được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Thời điểm hút hàng, giá bưởi tăng lên rất cao, khoảng 60.000 đồng/kg. Khi đó, thương lái cũng thu mua cả bưởi còn non để kịp xuất khẩu. Cũng chính từ việc có phần phụ thuộc đầu ra vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, nên khi xảy ra dịch COVID-19, việc đưa bưởi da xanh sang Trung Quốc bị đình truệ, ngay lập tức giá bưởi ở ĐBSCL giảm thê thảm.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), đơn vị xuất khẩu bưởi da xanh hàng đầu ở ĐBSCL, cho biết: “Giá bưởi từ hơn 40.000 đồng/kg thời điểm trước Tết Canh Tý 2020, giờ sụt giảm khá mạnh và nông dân ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng… kêu bán rất nhiều nhưng các cơ sở hạn chế thu mua, bởi đầu ra đang gặp khó khăn”. Theo ông Hưng, thông thường cơ sở của ông mỗi ngày thu mua khoảng 60 tấn bưởi da xanh ở ĐBSCL, thậm chí cả miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, thời điểm này, cố gắng lắm cơ sở chỉ mua khoảng 6-7 tấn/ngày, mặc dù giá bưởi đã giảm sâu…
Thêm nỗi lo nước mặn tấn công
Giải pháp lúc này được các cơ sở kinh doanh trái cây ở ĐBSCL áp dụng là đẩy mạnh tiêu thụ bưởi da xanh ở thị trường nội địa. Song, do nhiều loại trái cây cũng đang ùn ùn đưa ra các chợ, khiến việc tiêu thụ nội địa cũng không được cải thiện nhiều. “Chúng tôi đang phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, các hợp tác xã, nông dân… tiến hành xây dựng mã số vùng trồng bưởi da xanh, truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng những điều kiện cần thiết để xuất khẩu bưởi da xanh sang châu Âu và các thị trường khác; từ đó giảm áp lực xuất quá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới” – ông Đàm Văn Hưng nói.
Về lâu dài là vậy, thế nhưng cái khó trước mắt là rất nhiều vườn bưởi da xanh ở các tỉnh ĐBSCL đã quá ngày thu hoạch, một số nơi bưởi chín đầy vườn, nhưng việc tiêu thụ rất chậm. Đáng lo hơn là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, nhiều vườn bưởi bị nước mặn tấn công, có nguy cơ thiệt hại lớn. Ông Đào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, than thở: “Tôi đã nhờ lãnh đạo HTX bưởi da xanh Bến Tre hỗ trợ đầu ra cấp bách trong giai đoạn khó khăn. Song song đó, tiến hành hái bỏ hàng loạt trái bưởi nhỏ để cây nhẹ bớt, không bón phân… nhằm tránh nguy cơ bị chết cây do nước mặn tấn công”.
Các chuyên gia về nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân trồng bưởi da xanh ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang… những khu vực đang bị nước mặn bao vây phải theo dõi chặt chẽ độ mặn, khi mặn giảm ở mức cho phép, tranh thủ lấy nước vào dự trữ để tưới cho vườn bưởi. Ngoài ra, nên “hy sinh” bằng cách cắt bỏ vụ bưởi hiện nay, giảm số lượng trái trên cây càng nhiều càng tốt, để giúp cây nhẹ bớt, không phải nuôi trái lúc này. Nhiều nông dân trồng bưởi da xanh ở ĐBSCL nhận định, nếu so với đợt hạn mặn dữ dội vào năm 2016, thì đợt hạn mặn hiện nay khó khăn hơn rất nhiều, bởi cùng lúc bị thêm dịch COVID-19 làm cho đầu ra của trái bưởi bị ách tắc…
Bài, ảnh: Phước Bình (Báo Cần Thơ)