Sản xuất an toàn là mục tiêu hướng đến của ngành chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm sạch, việc này dù rất cần thiết nhưng để thực hiện và nhân rộng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời. Chăn nuôi sạch, công nghệ cao Để có thể cạnh tranh được với các […]
Sản xuất an toàn là mục tiêu hướng đến của ngành chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm sạch, việc này dù rất cần thiết nhưng để thực hiện và nhân rộng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Chăn nuôi sạch, công nghệ cao
Để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, ngành chăn nuôi trong nước cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi bằng các hình thức như chăn nuôi sạch, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất; để đảm bảo sản phẩm cung ứng an toàn, với giá thành hợp lý, tiếp cận và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Giải pháp này cũng đang được nhiều địa phương triển khai hiệu quả trong thời gian qua.
Kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi an toàn Ảnh: Tất Sơn
Như tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đang tập trung xây dựng mô hình phát triển đàn bò thịt ứng dựng công nghệ cao nhằm từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi; phát triển, cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn huyện theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP… Theo kế hoạch, năm 2018, Tân Trụ xây dựng 7 mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại 3 xã: Đức Tân, Tân Phước Tây và Nhựt Ninh. Năm 2019, 2020, huyện tiếp tục xây dựng tại địa bàn 3 xã trên 14 mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, xây dựng 1 mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Bình với nguồn kinh phí do huyện hỗ trợ (mỗi mô hình không quá 200 triệu đồng). Việc xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường.
Nhân rộng
Cùng với chăn nuôi sạch, các mô hình điểm được hỗ trợ kỹ thuật như tập huấn cho nông dân, hướng dẫn gieo trồng thâm canh các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao; sử dụng các thiết bị chuyên dùng cho công tác thú y tại chỗ kết hợp áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hướng dẫn thực hiện nâng cấp và điều chỉnh kết cấu, quy cách chuồng trại thích hợp với quy trình chăn nuôi bò thịt theo hướng công nghiệp…
Hay như tại Lâm Đồng, thông qua việc hỗ trợ hình thành các nhóm nông dân áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP (nhóm GAHP) và phát triển lên theo mô hình, HTX; hỗ trợ nâng cấp cơ sở giết mổ và chợ thực phẩm tươi sống của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tỉnh Lâm Ðồng đã tạo được chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường, đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cần thực hiện điều chỉnh theo quy trình quản lý rủi ro của thế giới, hướng tới phấn đấu đưa về cùng mặt bằng các sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu. Việc này cần được triển khai mạng ở các khu đô thị lớn; vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã làm tốt việc này, cần tiếp tục kiên trì thực hiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình ban quản lý ATTP đã được triển khai tốt ở TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn ở Hà Nội cần được đánh giá, nhân rộng.
>> Theo báo cáo của các đoàn thanh, kiểm tra Trung ương và 63 địa phương, 6 tháng đầu năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm về ATTP (19,47%); đã xử lý 15.707 cơ sở (22,98% số cơ sở vi phạm), trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng. |