Tự động hóa đang diễn ra khắp mọi nơi và tại các trang trại chăn nuôi bò sữa, nó mang lại nhiều lợi ích như nâng cao lợi nhuận cho người nuôi và cải thiện phúc lợi động vật, sức khỏe của vật nuôi, đồng thời là công cụ để ngành bò sữa toàn cầu […]
Tự động hóa đang diễn ra khắp mọi nơi và tại các trang trại chăn nuôi bò sữa, nó mang lại nhiều lợi ích như nâng cao lợi nhuận cho người nuôi và cải thiện phúc lợi động vật, sức khỏe của vật nuôi, đồng thời là công cụ để ngành bò sữa toàn cầu tiến sát hơn mục tiêu bền vững.
Những công ty đang dẫn đầu thế giới về sản xuất robot vắt sữa bò và nhiều thiết bị tự động khác chính là những nhân tố quan trọng góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng “hiện đại hóa” ngành sữa.
Năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ công nghệ tự động trong ngành sữa. Các thiết bị máy móc tự động hóa đang được áp dụng rộng khắp với tốc độ nhanh chóng mặt trong ngành sữa toàn cầu trong năm qua. Hầu hết những đơn đặt hàng mới nhất của công ty Lely đều liên quan đến máy móc tự động. Công ty cũng chi khoảng 5 – 6% doanh thu cho hoạt động R&D – con số không hề nhỏ. Tháng 10/2020, Lely sẽ tổ chức ngày hội Lely Future Farm để giới thiệu các công nghệ, máy móc cải tiến mới tới người chăn nuôi bò sữa toàn cầu. Mục tiêu chung, giúp nông dân ngành sữa trên thế giới sản xuất hiệu quả hơn.
90% ngành sữa được tự động hóa. Tỷ lệ này ở Hà Lan có thể lên đến 100%. Từ con số này, có thể thấy tại sao Hà Lan là một trong những quốc gia dẫn đầu ngành chăn nuôi bò sữa trên thế giới. Những trại bò sữa quy mô trung bình khoảng 100 – 150 con tại Hà Lan cũng đã được tự động hóa gần như hoàn toàn. Những hãng công nghệ ngành sữa như Lely cũng đang hy vọng sẽ phủ sóng tự động hóa lên các trang trại quy mô nhỏ hơn, và cả những siêu trang trại khổng lồ tại các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc.
Dù tỷ lệ tự động hóa cao đến đâu, thì bền vững vẫn luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất với ngành bò sữa nói chung, và những hãng công nghệ nói riêng. Sau cùng, khách hàng – những người quyết định sẽ mua sản phẩm gì đang ngày càng đặt ra yêu cầu cao và khắt khe hơn trước hàng loạt sản phẩm sữa. Người tiêu dùng sản phẩm sữa luôn muốn sản phẩm họ bỏ tiền ra phải có nguồn gốc từ một cơ sở sản xuất bền vững. Tại đó, sản phẩm được tạo ra theo những tiêu chuẩn cao về phúc lợi động vật, vật nuôi không bị hạn chế về không gian, thức ăn hoặc nước uống. Bền vững là một chủ đề bất tận của ngành bò sữa. Các hãng công nghệ hiện nay đã ra mắt những giải pháp xử lý phân thải, giúp làm giảm lượng nitơ thải ra nhằm mục tiêu tăng cao giá trị cho phân thải để thay thế phân hóa học và gia tăng giá trị cho sản phẩm phân bò của chính trang trại đó. Điều này cũng đồng nghĩa, hãng công nghệ đó đang nâng cao yếu tố tự động hóa trong trại nuôi và góp phần vào mục tiêu bền vững của ngành chăn nuôi bò sữa.
Ngoài ra, tự động hóa cũng được coi là công cụ giúp người chăn nuôi bò sữa cải thiện phúc lợi động vật. Những nông dân áp dụng nguyên tắc chăn nuôi “bò hạnh phúc” đều khẳng định rằng những con bò này luôn thoải mái hơn, ít bị stress hơn, sản lượng sữa cao hơn và có xu hướng khỏe mạnh hơn. Để xây dựng hệ thống nuôi bò hạnh phúc, dĩ nhiên chủ trang trại phải trang bị những hệ thống tự động hóa, điển hình là robot. Hình thức chăn nuôi “bò sữa hạnh phúc” đã quen thuộc với các quốc gia phương tây. Người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng ngày càng quan tâm hơn đến phúc lợi động vật. Cũng như vậy, truy xuất nguồn gốc là một yếu tố quan trọng không kém: tại đó người tiêu dùng đặt ra câu hỏi sản phẩm họ đang dùng có nguồn gốc từ đâu? Những trang trại nào tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm này và có tuân theo các tiêu chí bền vững không? Vật nuôi có khỏe mạnh và các tiêu chuẩn phúc lợi có được đặt lên hàng đầu tại trang trại đó hay không? Các doanh nghiệp ngành sữa nên ghi nhớ những câu hỏi này nếu muốn giữ vị trí vững chắc trên thị trường, đặc biệt là thị trường các nước phát triển.
André van Troost – CEO Công ty Lely, Hà Lan