Ngoài ra, ông còn vận động bà con cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Bùi Văn Minh giới thiệu về giống bưởi Soi Hà trồng tại vườn nhà. Theo chân ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đội […]
Ngoài ra, ông còn vận động bà con cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Bùi Văn Minh giới thiệu về giống bưởi Soi Hà trồng tại vườn nhà.
Theo chân ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đội Cấn, men theo con đường trải bê tông vượt qua 2 đèo khá dốc, chúng tôi mới vào đến nhà thương binh Bùi Văn Minh.
Nhà ông nằm biệt lập ở khu rừng, xung quanh nhà là những cây trái sum suê, những cây nhãn quả sai trĩu cành cúi sát mặt hồ, dưới hồ cá trắm, trôi, chép, rô phi… lượn từng đàn, kế bên là vườn bưởi Soi Hà, cam Vinh quả sai lúc lỉu hứa hẹn cho mùa vụ bội thu… Vào đúng lúc ông vừa đánh mẻ cá cho vợ đi bán ngoài chợ, đang ngồi nghỉ ở bàn nước ngoài sân, chúng tôi tranh thủ trò chuyện.
Lập nghiệp ở vùng đất khó…
Ông Minh kể, năm 1979, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, rồi chiến đấu tại mặt trận huyện Xín Mần, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang).
Năm 1983, hoàn thành nhiệm vụ, hành trang ngày xuất ngũ của thương binh 4/4 Bùi Văn Minh là những vết thương luôn tái phát lúc trái gió trở trời.
Trở về đời thường, ông cùng gia đình bắt tay vào việc cấy cày trên mảnh ruộng quê hương. Thế nhưng, sức khỏe hạn chế, ông không thể làm ruộng. Trồng chè thì bán rẻ cũng chẳng ai mua. Ông xoay nhiều nghề nhưng không mang lại hiệu quả, đời sống gia đình khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Năm 1986, ông lập gia đình và quyết định vào sâu trong đồi hoang sơ (thôn Ba, xã Đội Cấn, huyện Yên Sơn lúc bấy giờ) khai hoang lập nghiệp. Cuộc sống mới bắt đầu từ đấy, với bao gian khó tưởng chừng làm gia đình ông gục ngã. Ngày tiếp ngày, ông kiên trì, nhẫn nại vác cuốc băng đồi khai phá vùng đất khô cằn, sỏi đá để gây dựng trang trại tổng hợp.
Ông Minh chia sẻ: “Là thương binh, tôi luôn tự nhủ phải làm sao vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con, cho cháu, cho bà con địa phương cùng học tập để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh”.
Từng bước thu “quả ngọt”
Tận dụng diện tích bãi chăn thả gia súc, gia cầm và nguồn nước phong phú, ban đầu gia đình ông Minh chỉ đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao nuôi ít cá và vịt siêu trứng. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, bệnh dịch thường xuyên xảy ra, gia đình ông thua lỗ nặng. Nhưng với ý chí kiên cường, không chấp nhận thất bại, ông kiên trì học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ sách báo và các mô hình trang trại hiệu quả, cộng với thực tiễn vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm nên các năm tiếp theo, trang trại chăn nuôi của ông từng bước đem lại thu nhập ổn định.
Sau một thời gian tìm hiểu, ông Minh quyết định xây dựng trang trại nuôi gia súc, gia cầm… Thời kỳ giá lợn hơi còn hưng thịnh, từ 40 đến 42 ngàn đồng/kg, mỗi năm ông xuất chuồng bán 20 tấn lợn hơi, thu về một khoản đáng kể. Cứ thế, ông lấy lãi đầu tư mua giống nuôi lứa kế tiếp, xây đắp ao hồ thả cá trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính, mè…
Mấy năm sau, nhận thấy giá lợn có chiều hướng giảm, ông không nuôi nữa, mà xoay sang nuôi cá. Hiện, ông có hơn 3ha ao cá, hơn 1ha bưởi và cam Vinh, mỗi năm có thu nhập 350 triệu đồng từ bán cá, bưởi, cam, mía, nhãn… Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, những loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cũng được ông đưa vào trồng.
Chứng kiến những ngày gian nan, cơ cực, ông cùng vợ con mắc võng, dựng lều giữa đồi hoang làm trang trại tổng hợp, không ít người dân ở xóm Ba cảm thấy ái ngại. Thế nhưng, vùng đồi trọc ngày ấy, sau hơn 30 năm gia đình ông gây dựng, đã được phủ kín bởi màu xanh bạt ngàn của cây trái, ao hồ.
Gia đình ông hiện có trang trại rộng 10ha. Trong đó có 3ha ao hồ, 1ha trồng bưởi Soi Hà và cam Vinh; diện tích còn lại ông trồng mía, cây ăn quả khác và chia cho các con. Các con ông nối nghiệp cha, tích cực cải tạo vườn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương.
Nhờ tích cực trong lao động sản xuất cùng với đức tính kiên trì, chịu khó, tiếp thu cái mới để áp dụng trong sản xuất, mô hình trang trại tổng hợp của thương binh Bùi Văn Minh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hộ nghèo, ông xây được nhà ở kiên cố rộng 150m2, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và máy móc phục vụ sản xuất.
Gương mẫu, sống có tình làng nghĩa xóm
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, với tinh thần tiên phong gương mẫu, bên cạnh làm kinh tế giỏi, thương binh Bùi Văn Minh còn là hạt nhân tích cực tham gia ủng hộ đóng góp công, của xây dựng đường làng ngõ xóm. Là người tiên phong trong thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi tại thôn Ba, với mong muốn nhân dân địa phương có đời sống ngày một ổn định, ông vận động bà con cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó mà những năm gần đây, thôn Ba xuất hiện ngày càng nhiều khu vườn quy mô, trồng các loại cây, nuôi các loại con có giá trị kinh tế cao.
Là người hiền lành, sống chan hòa với mọi người, được nhân dân, đồng đội quý mến, đúng như lời nhận xét chân tình của ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, xã Đội Cấn: “Thương binh Bùi Văn Minh chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám làm và cần cù chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương. Gia đình ông là một trong những tấm gương tiêu biểu góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.