Người tiêu dùng thay đổi quá nhanh cộng với những bất ổn trên thị trường và dịch bệnh diễn biến phức tạp đang gây áp lực cho các hãng sản xuất trứng gia cầm toàn cầu. Ðây cũng là những nút thắt cản trở sự phát triển của ngành trứng. Nguồn dinh dưỡng giá rẻ […]
Người tiêu dùng thay đổi quá nhanh cộng với những bất ổn trên thị trường và dịch bệnh diễn biến phức tạp đang gây áp lực cho các hãng sản xuất trứng gia cầm toàn cầu. Ðây cũng là những nút thắt cản trở sự phát triển của ngành trứng.
Nguồn dinh dưỡng giá rẻ
Theo các chuyên gia tại Hiệp hội Dinh dưỡng trứng (ENC) tại Mỹ, trứng là sản phẩm mang lại những lợi ích sức khỏe hiếm có nhờ hàm lượng dinh dưỡng và nguồn protein chất lượng cao cùng các vitamin và khoáng chất thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng lành mạnh. TS McNamara tại ENC cho biết, trong các kết quả nghiên cứu gần đây, ăn trứng giúp giảm cân, giảm rủi ro ung thư vú, các bệnh về mắt và cơ. Dù nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng trứng lại là nguồn protein giá rẻ – đây cũng được coi là động lực thúc đẩy các hãng trứng gia cầm kiên trì sản xuất dù phải đối diện nhiều khó khăn.
Nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng Ảnh: Watt
TS Vincent Guyonnet, Chuyên gia tư vấn khoa học tại Hiệp hội Trứng gia cầm quốc tế khẳng định, trứng gia cầm là công cụ xóa đói nghèo tại các quốc gia đang phát triển. Ông cho biết, dân số toàn cầu sẽ tăng lên hơn 9 tỷ người vào năm 2050 và khoảng 1 tỷ người trên toàn cầu đang trong tình trạng thiếu lương thực hoặc chất dinh dưỡng, bởi vậy khó khăn chung với tất cả các hãng sản xuất thực phẩm nói chung và ngành trứng gia cầm nói riêng đó là làm cách nào để thế giới sản xuất được đủ lượng lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho hơn 2,5 tỷ người, cũng như hàng tỷ người đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nói trên. Và trứng gia cầm chính là chìa khóa giải bài toán dinh dưỡng toàn cầu.
Tác động môi trường
Dấu chân carbon chính là tác động mà mỗi người/hoặc ngành sản xuất gây ra với môi trường. Dấu chân carbon của ngành trứng gia cầm trở thành một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất. Theo những nghiên cứu gần đây của TS Imke de Boer, Ðại học Wageningen, Hà Lan, có 4 hệ thống sản xuất trứng gia cầm chủ yếu gồm nuôi nhốt trong lồng, chuồng trại lớn, nuôi thả tự do và hữu cơ. Hệ thống nuôi nhốt trong lồng có dấu chân carbon thấp nhất. Ðể tính toán dấu chân carbon, TS De Boer thực hiện nghiên cứu xuyên suốt chu kỳ sản xuất trứng từ quy trình chuẩn bị thức ăn, nuôi gà mái tơ, vận chuyển cần thiết cũng như phương pháp sản xuất trứng tại trang trại. Tuy nhiên, những tác động môi trường chưa đáng lo ngại bởi sản xuất trứng có dấu chân carbon thấp hơn sản xuất bò và heo, chỉ 50 kg carbon dioxide/kg protein. Trong ngành trứng nói riêng, hệ thống nuôi chuồng trại lớn (barn) và nuôi thả tự do (free-range) có dấu chân carbon cao nhất. Ðiều này cũng khiến các hãng sản xuất rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi người tiêu dùng trên thị trường, nhất là phương Tây đang có xu hướng ưa chuộng trứng gà thả tự do và tẩy chay trứng gia cầm nuôi nhốt trong lồng chật hẹp.
Imke de Boer, Trợ lý Giáo sư tại Ðại học Wageningen cho biết, dấu chân carbon xác định lượng khí thải nhà kính (GHGs) suốt toàn bộ quá trình sản xuất. GHGs liên quan đến quá trình sản xuất là carbon dioxide (CO¬2), methane (CH¬4) và nitrous oxide (N2O). Theo nghiên cứu của Imke de Boer tại các trại sản xuất trứng gia cầm tại Hà Lan, hệ thống nuôi nhốt trong lồng thải ít CO2 nhất, tiếp theo là nuôi hữu cơ, trại và nuôi thả tự do. Tuy nhiên qua nhiều năm, ngành trứng gia cầm tại nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực cải thiện hiệu quả sản xuất nhằm giảm tối đa lượng đáng kể khí thải nhà kính. GHGs/kg trứng tại Mỹ đã giảm 71% trong giai đoạn từ năm 1960 đến 2010. Bởi vậy, trứng gia cầm trở thành nguồn protein tốt nhất, giá thấp nhất và ít tác động tới môi trường nhất.
Kích thích thị trường
Thị trường bán lẻ trứng hiện nay đang gián đoạn vì phải đương đầu với ngành công nghiệp hàng tiêu dùng và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi quá nhanh. Theo Jessica Moulton, Hội nghị Kinh doanh trứng gia cầm quốc tế (IEC), ngành bán lẻ trứng vốn dĩ có sự ổn định hiếm thấy suốt 60 năm qua, nhưng ngày nay, lĩnh vực này đang thay đổi rất nhanh và hãng bán lẻ đang phải gồng mình lên để chống chọi. Những năm gần đây, ngành trứng tăng trưởng chậm hơn và lợi nhuận thấp hơn do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bùng nổ các thương hiệu và xu hướng tiêu dùng nâng cao sức khỏe và chú trọng phúc lợi động vật. Bên cạnh đó, những cửa hàng bán lẻ thực phẩm truyền thống cũng chịu áp lực rất lớn từ các chuỗi kinh doanh trực tuyến và các cửa hàng bán hàng giảm giá.
Tuy nhiên, để kích thích thị trường trứng phát triển cần phải có các chiến lược marketing cụ thể. Tiếp thị thương hiệu hiện đang được các hãng sản xuất và kinh doanh trứng trên thế giới áp dụng rộng rãi tại thị trường nội địa và quốc tế. Phương thức này chú trọng vào màu sắc tự nhiên của vỏ trứng, bao bì bắt mắt và thông tin dinh dưỡng chi tiết thu hút người tiêu dùng như hàm lượng cao Vitamin A, E, folate, omega-3, lutein, DHA… Giai đoạn 2009 – 2017, Fenavi, một Hiệp hội của các hãng sản xuất trứng tại Colombia Mỹ đã phát triển hàng loạt chiến dịch quảng bá trứng gia cầm như một sản phẩm ngon miệng, giàu dinh dưỡng và dễ chế biến. Kết quả, tiêu thụ trứng đã tăng 26%, tương đương mức tăng bình quân 56% theo đầu người/năm.