Xuất khẩu thịt heo “khó” với rào cản thương mại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng thịt heo nhập khẩu trong tháng 5/2018 tăng 50% về lượng và 30% về giá trị so tháng 4/2018. Giá heo hơi thế giới dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn có xu hướng tăng. […]

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng thịt heo nhập khẩu trong tháng 5/2018 tăng 50% về lượng và 30% về giá trị so tháng 4/2018.

Giá heo hơi thế giới dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn có xu hướng tăng. Mặt khác, xu hướng bảo hộ thương mại trên thị trường quốc tế đang là một rào cản lớn cho xuất khẩu thịt heo, người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tăng đàn.

Đại diện Tập đoàn Mavin (đơn vị đầu tiên đưa sản phẩm thịt heo tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Myanmar với phương thức chế biến đông lạnh) cho biết, ngoài tiêu chí quan trọng là chứng minh được chất lượng thịt (đảm bảo có thể truy xuất được nguồn gốc lại toàn bộ) và làm tốt các khâu liên quan đến phòng chữa bệnh, thì việc tuân thủ theo quy định của nước sở tại là một rào cản lớn mà Mavin đã vượt qua để xuất khẩu được. Myanmar, Indonesia, hay châu Phi… đều có quy định riêng; theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nên làm việc với các đối tác của địa phương đó để tìm hiểu quy định và hoàn thành các quy định.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến cáo, người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nên “găm” hàng để đẩy giá thịt heo tăng lên trên 50.000 đồng/kg. Bởi, làm như vậy sẽ phá vỡ trật tự trên thị trường, nguy cơ thịt heo giá rẻ, thịt heo kém chất lượng thẩm lậu từ các nước vào Việt Nam. Chẳng hạn như thịt heo từ Trung Quốc hay các nước Mỹ, Canada, Tây Ban Nha… cũng có thể vào được.

Thời gian qua, bên cạnh việc xuất khẩu heo sữa sang Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, việc xuất khẩu thịt tươi sang thị trường Myanmar khẳng định nỗ lực của ngành chăn nuôi Việt Nam. Điều trăn trở là làm sao chăn nuôi phát triển, không chỉ bảo đảm ATTP mà còn hướng đến xuất khẩu bằng con đường chính ngạch vì năng lực sản xuất chăn nuôi đã vượt quá nhu cầu trong nước.