Sản phẩm cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản xuất khẩu sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường […]
Tin liên quan
Sản phẩm cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản xuất khẩu sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường 10 nước CPTPP đạt 328,3 triệu USD tăng 17,3% so với năm trước.
Được biết tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
Các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Phần lớn các nước CPTPP áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác khác, ngoại trừ một số nước như Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico lại áp dụng biểu thuế nhập khẩu riêng cho từng nước CPTPP.
Phần lớn các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra, basa sẽ được xóa bỏ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng có thể lạc quan tin tưởng rằng sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam tại một số thị trường truyền thống hoặc tiềm năng với cá tra như: Mexico, Nhật Bản hay Chile.
Hiện nay, Mexico là thị trường xuất khẩu cá tra, basa lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Trung Quốc – Hồng Kông, EU, Mỹ và ASEAN. 4 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường này đạt 40,8 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh và trong 10 nước CPTPP.
Theo Hiệp định, sản phẩm cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn sang Mexico sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Năm 2018 vừa qua đánh dấu sự tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Nhật Bản. Trong năm này, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản tăng 37,6% so với năm 2017. Không dừng lại ở đó, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đạt 8,58 triệu USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Với hai hiệp định thương mại tự do (FTA) trước là Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đã được xóa bỏ rào cản thuế quan. Với CPTPP, nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế trong hai FTA này cũng sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Trong đó, một số mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, bao gồm sản phẩm cá tra được miễn thuế ngay lập tức, từ mức 3,5-10,5% hiện tại. Như vậy, với thuận lợi từ 3 FTA với Nhật Bản, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để gia tăng hơn nữa hoạt động cá tra sang thị trường Nhật Bản.
Ngoài các nước xuất khẩu lớn trên cũng phải kể đến một số thị trường tiềm năng trong nhóm nước tham gia Hiệp định CPTPP như Canada, Australia, Singapore, Malaysia. Những thị trường này đang được đánh giá có nhiều cơ hội để tăng thị phần xuất khẩu trong thời gian tới. Năm 2018 vừa qua, xuất khẩu cá tra, basa sang các nước này cũng có nhiều tăng trưởng tích cực như: Canada tăng 19,5%; Australia tăng 34,4%, Singapore tăng 20,7%, Malaysia tăng 72,2% so với năm trước.
Vasep nhận định, ngoài những thách thức mà CPTPP đem lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam thì còn nhiều cơ hội ở phía trước. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu những lợi ích mà hiệp định này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ và tiếp tục mạnh dạn gia tăng xuất khẩu.
Tùng Anh (Trí Thức Trẻ)