Gần hơn với thực phẩm sạch

Việc xây dựng và hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phần nào giúp đưa người tiêu dùng đến gần hơn với thực phẩm sạch. Kết nối cung – cầu Tại Thanh Hóa, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vấn đề vệ sinh ATTP, trong […]

Việc xây dựng và hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phần nào giúp đưa người tiêu dùng đến gần hơn với thực phẩm sạch.

Kết nối cung – cầu

Tại Thanh Hóa, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vấn đề vệ sinh ATTP, trong đó đặc biệt chú trọng thúc đẩy hoạt động kết nối cung – cầu nông sản, thực phẩm thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Từ các mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh và bước đầu thu được một số kết quả.

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa, chỉ tính riêng năm 2017 – năm “bản lề” trong việc thực hiện Kế hoạch số 189 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh (2017 – 2020) đã có 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, 8 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm thịt, trứng gia cầm an toàn với năng lực cung ứng khoảng 2.100 tấn thịt và khoảng 7 triệu quả trứng/năm; 6 cơ sở kinh doanh tổng hợp, đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với năng lực cung ứng khoảng 150 tấn sản phẩm/năm. Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động theo tiêu chuẩn VietGAP (trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), GMP/SSOP (trong sơ chế, chế biến thực phẩm), HACCP (trong bảo quản, chế biến thủy sản), ISO22.000 (trong kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản).

Liên kết chuỗi

Việc liên kết chuỗi trong việc cung ứng thực phẩm sạch cũng là giải pháp được chú trọng phát triển, mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Như chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam; Việt Nam hiện có tới hàng nghìn mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Một mình hợp tác xã đơn lẻ sẽ không làm nổi mà phải biết liên kết, hợp tác để sản xuất quy mô lớn và tiêu thụ trên các kênh phân phối hiện đại. Trước thực trạng thực phẩm chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp; việc phân tích đánh giá nguy cơ ô nhiễm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đảm bảo là biện pháp tự vệ chính đáng của người dân và cũng là cơ hội tốt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Được biết, Bộ Công thương đã thực hiện tư vấn hỗ trợ một số cơ sở kinh doanh xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng đảm bảo ATTP áp dụng phương thức quản lý tiên tiến như HACCP, ISO 22000:2005; tư vấn cho các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo ATTP. Ngoài ra, Bộ cũng đang hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh với các mặt hàng được cam kết bao tiêu sản phẩm như lúa, ớt, khoai tây, hành củ cải, bó xôi, gà thịt an toàn sinh học, rau an toàn… giúp nông sản, hàng hóa tránh được việc “được mùa mất giá”, hàng hóa được truy xuất nguồn gốc xuất xứ.