Chuyên gia bóng đá Hà Nội cho rằng thầy trò Park Hang-seo luôn gặp đối thủ mạnh từ vòng bảng, dù nằm ở nhóm hạt giống nào. Thành tích tệ hại ở SEA Games 29 khiến U22 Việt Nam rơi vào nhóm hạt giống thứ tư của môn bóng đá nam SEA Games 30. Thầy trò HLV […]
- Hậu trường hôn lễ Đàm Thu Trang và Cường Đô La: Cô dâu đẹp xuất sắc trong bộ váy cưới, e ấp hạnh phúc bên chú rể
- Bóng đá Việt Nam nhận tin cực vui từ “trung vệ thép” Đình Trọng
- Nhóm bốc thăm VL WC 2022: Việt Nam lợi thế, Malaysia đẩy Indo vào thế khó
- Tại sao cư dân mạng ném đá bản hit “Độ ta không độ nàng”?
- Khỏi tìm đâu xa, thứ luôn sẵn trong bếp này chính là “cứu tinh” cho làn da nàng ngoài 30
Chuyên gia bóng đá Hà Nội cho rằng thầy trò Park Hang-seo luôn gặp đối thủ mạnh từ vòng bảng, dù nằm ở nhóm hạt giống nào.
Thành tích tệ hại ở SEA Games 29 khiến U22 Việt Nam rơi vào nhóm hạt giống thứ tư của môn bóng đá nam SEA Games 30. Thầy trò HLV Park Hang Seo bị xếp “chung mâm” với các đối thủ yếu như Brunei, Đông Timor và Lào.
– Việt Nam nằm ở Nhóm 4 trong lễ bốc thăm phân bảng môn bóng đá nam SEA Games 30. Điều này ảnh hưởng như nào tới mục tiêu đoạt HC vàng của thầy trò Park Hang-seo?
Đông Nam Á có khoảng năm, sáu quốc gia có tham vọng vô địch. Bên cạnh Việt Nam còn có chủ nhà Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Myanmar và Singapore cũng khó có thể xem thường. Chính bởi nhiều đội có thực lực như vậy, tôi nghĩ Việt Nam nằm ở nhóm nào cũng phải đối đầu với ít nhất ba đội thuộc hàng ứng viên.
Chúng ta nằm nhóm hạt giống đầu hay nhóm cuối đều có chung kết quả ấy. Có thể, Việt Nam sẽ gặp nhiều đội mạnh hơn khi ở nhóm cuối, chẳng hạn phải đối đầu Thái Lan, Malaysia và Myanmar (khó hơn so với Philippines, Indonesia, Singapore). Nhưng để lên ngôi số một, chúng ta cần vượt qua mọi đối thủ. Cái Việt Nam cần bây giờ là tinh thần này.
Nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn ở SEA Games 30 nhưng thực tế không phải vậy. Thứ nhất, chúng ta may mắn hơn Thái Lan – đội chắc chắn phải chơi ở bảng sáu đội, đồng nghĩa với việc thể lực bị bào mòn nhiều hơn trước vòng bán kết.
Thứ hai, SEA Games là một giải trẻ, các nước đem từng thế hệ cầu thủ của mình đi so tài với nhau. Đội giành HC vàng sẽ là tập thể hội tụ được các yếu tố như sự đồng đều giữa các tuyến, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, điểm rơi phong độ và một chút may mắn. Việt Nam hơn các đối thủ ở lực lượng khi có Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Tiến Dũng, Đức Chinh từng vô địch AFF Cup 2018. Trong khi những đội còn lại, theo quan sát của tôi, không có cá nhân nào thực sự nổi bật kiểu như Chanathip Songkrasin (Thái Lan) trước đây.
Cuối cùng, Việt Nam có lợi thế lớn ở vị trí HLV. Cả ông Park Hang Seo lẫn các cầu thủ đều quá hiểu nhau, đó là thứ mà Thái Lan, Indonesia và Philippines không có khi liên tục thay đổi băng ghế chỉ đạo.
Bóng đá luôn tiềm ẩn sự bất ngờ. Trước vòng chung kết U23 châu Á 2018, mấy ai dám nghĩ Việt Nam sẽ đi tới chung kết. SEA Games 30 không nằm ngoài quy luật đó. Ví dụ Singapore, đội bóng này nhiều năm gần đây không có kết quả tốt ở đấu trường khu vực, nhưng biết đâu họ đã âm thầm chuẩn bị cho thế hệ dự SEA Games 30. Mỗi giải trẻ đều có khả năng phát hiện ra một thế hệ vàng. Vì thế, Việt Nam không được phép đánh giá thấp bất cứ đối thủ nào.
– Ông coi sự chuẩn bị như một yếu tố góp phần mang về HC vàng SEA Games. Việc HLV Park Hang-seo phải đảm đương công việc đội tuyển ở vòng loại World Cup 2022 ngay trước thềm SEA Games liệu có phải bất lợi?
Tôi tin ông Park và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã tính toán kỹ trước khi ra quyết định ấy. Công việc của một HLV đội tuyển kéo dài xuyên suốt cả năm, chứ không riêng gì vài ba tháng trước giải đấu. Ngay lúc này, bộ khung dự SEA Games 30 có thể đã được ông Park định hình, trước khi tối ưu từ giờ đến cuối năm thông qua những giải như vòng loại U23 châu Á 2020, hoặc điều chỉnh khi có bất ngờ xảy ra, chẳng hạn Philippines cho phép hai cầu thủ ngoài 22 tuổi dự giải.
Việc HLV Park Hang Seo dẫn đội dự SEA Games 30, nếu có bất lợi, cũng ít hơn nhiều so với những tích cực ông mang lại. Tinh thần cầu thủ, triết lý chơi bóng, giáo án tập luyện… tất cả đều có sẵn và các nhân tố mới chỉ việc vào guồng. Nó rất khác so với Thái Lan, Indonesia hay Philippines.
Tuy họ có HLV chuyên trách đội trẻ, các cầu thủ sẽ phải làm quen với thầy mới. Quá trình này đòi hỏi thời gian và không phải lúc nào cũng thành công, giống những gì ông Park đã có với bóng đá Việt Nam.
Văn Đức cùng với Duy Mạnh, Văn Toàn là những người sinh năm 1996 và không đủ tuổi dự SEA Games 30 nếu không có quy định mới của Philippines.
- Hai cầu thủ Việt Nam trên 22 tuổi dự SEA Games 30, theo ông, nên bổ sung vào tuyến nào?
Trước hết phải nói về quyết định bổ sung này của Philippines. Rõ ràng, nước chủ nhà có vấn đề ở đội trẻ: có thể thiếu hụt lực lượng, có thể muốn tăng cường nhân sự từ đội tuyển để tham vọng giành HC vàng, dù đội tuyển Philippines từng bị chính Việt Nam loại ở bán kết AFF Cup 2018. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games, tính từ năm 2001 – thời điểm giới hạn tuổi tham dự môn bóng đá nam – các đội dự giải với đội hình 22+2. Cuộc chơi là như vậy, và Việt Nam cần làm sao để thích nghi tốt nhất.
Dựa vào triết lý của HLV Park Hang Seo và xu hướng của bóng đá hiện đại, tôi nghĩ Việt Nam cần một tiền đạo có khả năng tạo đột biến, chơi lắt léo như Văn Đức hoặc Công Phượng. Đó là những người biết thay đổi nhịp điệu trận đấu chỉ bằng một vài nhịp chạm bóng. Họ sẽ khiến hàng thủ đối phương bất ngờ và khó theo kèm vì khả năng di chuyển rộng, chơi đa năng nhiều vị trí.
Một đội tuyển muốn đi tới đích cuối cùng đều cần tiền đạo giỏi, biết tỏa sáng khi tập thể ở thế bí. Thực tế ở AFF Cup 2018 đã chứng minh, những đội có tiền đạo đá theo kiểu “một màu”, đều đều suốt cả trận, là những đội bị loại sớm.
Một thuận lợi nữa của bộ đôi Văn Đức, Công Phượng là sự ăn ý với lứa Quang Hải, Đức Chinh. Có họ trong tay, ông Park sẽ có nhiều phương án giải quyết trận đấu, thậm chí là dàn trải đội hình trong cả giải để đảm bảo thể lực chơi hai ngày một trận.
Một vị trí nữa cần ưu tiên là trung vệ. Nếu ông Park không dùng hết hai nhân sự cho hàng công, tôi nghĩ Việt Nam vẫn cần đề phòng những đội chơi lật cánh đánh đầu như Philippines, hay dựa nhiều vào sức mạnh như Malaysia, Indonesia. Duy Mạnh là cái tên hợp lý cho ý đồ này. Cậu ấy vừa ăn ý với Đình Trọng, Văn Hậu, Thành Chung, vừa có chiều cao tốt, và dày dạn kinh nghiệm đối đầu với các đối thủ trong khu vực.
So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam thuộc trình độ nhóm đầu. Các đối thủ gần như sẽ chơi phản công khi gặp Việt Nam. Điều ấy đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng từ trung vệ như khả năng phòng ngự từ xa, chống phản công và đọc tình huống tốt.
– Trong danh sách đội dự tuyển U23 Việt Nam đá vòng loại U23 châu Á 2020, chín người là hậu vệ, còn tiền vệ chỉ có sáu. Ông nghĩ sao về việc HLV Park Hang-seo có vẻ như muốn ưu tiên sự chắc chắn?
Việt Nam dưới thời ông Park luôn vận hành với ba trung vệ và hai cầu thủ đá cánh, giữ trách nhiệm lên công về thủ. Lượng hậu vệ chiếm tỷ lệ cao nhất trong đội hình là điều dễ hiểu. Nó cũng phản ánh triết lý của nhà cầm quân người Hàn Quốc từ khi đến Việt Nam, gồm “phòng ngự” và “phản công”.
Các tiền đạo muốn phản công được, muốn sáng tạo và ngẫu hứng, trước hết phải dựa trên cái nền phòng ngự chắc chắn. Ngoài ra, những trung vệ của Việt Nam không phải dạng phòng ngự thuần túy. Họ biết dâng cao phối hợp với tuyến giữa, biết phát động tấn công từ sân nhà.
Việc ông Park tăng số lượng hậu vệ còn mang ý nghĩa tăng xác suất phát hiện những nhân tố đột biến từ hàng thủ để bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Bởi tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, chúng ta chỉ có đúng ba người cho ba vị trí là Ngọc Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, và phần nào đó là Tiến Dũng.
– Cơ hội của Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á 2020 sắp tới như thế nào?
Như HLV Park Hang Seo phát biểu, Việt Nam không có gì phải sợ Thái Lan, Indonesia và Brunei. Trong những giải trẻ, tâm lý giữ vai trò gần như quyết định. Khi nhập cuộc mà không sợ hãi, Việt Nam có thể làm được bất cứ điều gì.
Tôi quan tâm nhiều hơn đến chuyện Việt Nam thu được những gì sau vòng loại này. Ngoài việc giành vé, ông Park liệu có phát hiện được thêm nhân tố nào mới, bổ sung cho đội tuyển hay không. Tôi nói vậy bởi không khí, tính chất và sự quyết liệt ở một giải đấu chính thức rất khác so với những trận giao hữu. Đó là nơi đánh giá một cầu thủ trẻ đã trưởng thành và sẵn sàng lên chơi ở những cấp độ cao hơn hay chưa. Để đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2019, Việt Nam cần tận dụng tối đa những giải đấu như vòng loại U23 châu Á.
Theo: vtc.vn