Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” vẫn đang là tâm điểm dư luận những ngày qua. Xung quanh việc ekip của dự án để lộ mặt mẫu nhí, credit dày đặc trong ảnh, đã có nhiều ý kiến trái chiều và cả những góp ý chuyên môn từ nhà báo, chuyên gia và người […]
- Hậu trường hôn lễ Đàm Thu Trang và Cường Đô La: Cô dâu đẹp xuất sắc trong bộ váy cưới, e ấp hạnh phúc bên chú rể
- Bóng đá Việt Nam nhận tin cực vui từ “trung vệ thép” Đình Trọng
- Nhóm bốc thăm VL WC 2022: Việt Nam lợi thế, Malaysia đẩy Indo vào thế khó
- Tại sao cư dân mạng ném đá bản hit “Độ ta không độ nàng”?
- Khỏi tìm đâu xa, thứ luôn sẵn trong bếp này chính là “cứu tinh” cho làn da nàng ngoài 30
Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” vẫn đang là tâm điểm dư luận những ngày qua. Xung quanh việc ekip của dự án để lộ mặt mẫu nhí, credit dày đặc trong ảnh, đã có nhiều ý kiến trái chiều và cả những góp ý chuyên môn từ nhà báo, chuyên gia và người làm nghệ thuật.
Lấy ý tưởng từ những vụ ấu dâm xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” gồm 12 bức ảnh do MC Công Tố, MC Minh Trang và nữ nhiếp ảnh Dạ Miêu thực hiện đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” đang nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến tranh cãi.
Hình ảnh 4 diễn viên nhí được mời hóa thân vào các nạn nhân bị xâm hại tình dục đã phải mang những chiếc bụng bầu không phù hợp với lứa tuổi, những ánh mắt đau đớn, tuyệt vọng, những tâm hồn ngây thơ bị vấy bẩn đã khiến nhiều người phải giật mình.
Theo chia sẻ của MC Công Tố – Giám đốc sáng tạo của dự án thì sự góp mặt của 4 bé gái với tư cách là người minh họa trong bộ ảnh đã có sự đồng ý từ phía phụ huynh.
Tuy vậy, bên cạnh những người cho rằng ý tưởng này khá sáng tạo, truyền tải thông điệp tốt đến cộng đồng thì nhiều người cũng bày tỏ băn khoăn trước việc chụp trực diện khuôn mặt của những bé gái mà không có sự che chắn tinh tế. Một số ý kiến cũng tỏ ra khó chịu khi xem ảnh với typo và credit xuất hiện dày đặc.
Để đưa đến cái nhìn đa chiều hơn về bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu”, chúng tôi đã liên hệ với các nhiếp ảnh gia, nhà báo, đạo diễn, luật sư và chuyên gia tâm lý để lắng nghe chia sẻ cũng như nhìn nhận của họ về dự án ảnh đang gây tranh cãi lớn này.
Bộ ảnh quá nặng về yếu tố branding?
Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt, người đang nắm giữ kỷ lục Ảnh Việt trên Nation Geographic thì nhận định bộ ảnh có ý tưởng tốt nhưng cách thể hiện chưa thực sự tốt.
“Tôi nghĩ nếu tinh tế thì sử dụng các kỹ thuật nhiếp ảnh, ánh sáng, bố cục và đặc biệt là bắt khoảnh khắc thế nào để che được nhận diện, đặc biệt là khuôn mặt của các em. Điều này cực kỳ quan trọng để không gây thêm hậu quả cho các diễn viên nhí tham gia vào dự án này”.
Theo anh Việt, kể chuyện bằng ảnh đòi hỏi kiến thức rất sâu và rộng về chủ đề, từ đó đưa ra cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sao cho hợp lý nhất. “Bộ ảnh này quá nặng về yếu tố branding của các brand tham gia. Nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung thương mại thì khó có thể là một visual storyteller (người kể chuyện bằng ảnh) đích thực để có cái nhìn và cách xử lý về một story cần truyền tải. Tôi ủng hộ dự án của các bạn ấy, nhưng cách thể hiện chưa ổn và nội dung chưa xuyên suốt, câu chuyện chưa sâu sắc. Mà câu chuyện ảnh truyền tải cũng chưa nhất quán và sát với caption ảnh”, nhiếp ảnh gia Tuấn Việt nói.
Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt
Dù ủng hộ sự dấn thân và cống hiến cho cộng đồng, nhưng Nhà làm phim và nhiếp ảnh tự do Lê Thế Thắng (được biết đến với biệt danh “Thắng Sói”) khẳng định ranh giới giữa lợi và hại là rất mong manh. Đặc biệt với trẻ nhỏ – hậu quả nếu xảy ra là khôn lường và không thể khắc phục hết được.
“Đầu tiên, những đứa trẻ trong bộ ảnh sẽ đối diện thế nào với ảnh hưởng tâm lý mai sau? Bản thân chúng sẽ nghĩ gì khi nhìn lại mình trong những bức ảnh đó – với tạo hình và độ phô diễn quá mức. Và giả sử sau này những tấm ảnh đó cứ đuợc dùng để minh họa cho ấu dâm cho tới khi chúng trưởng thành? Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới, về những ám ảnh của vai diễn tuổi thơ – mà những diễn viên ám ảnh dẫn đến trầm cảm cả quãng đời sau đó. Tôi nghĩ việc này khó tránh khỏi hệ luỵ – tất nhiên, đây là suy nghĩ từ cá nhân tôi.
Thứ hai là về ngôn ngữ tạo hình. Tại sao những đứa trẻ vào vai nạn nhân ấu dâm phải thể hiện bằng một tạo hình như vậy? Những ánh mắt thơ dại, sự sợ hãi hằn lên trong diễn xuất, sự rụt rè… những thứ đó là đủ với chủ đề này nhưng cần được khéo léo giấu đi. Vậy mà nó đã được làm ngược lại. Tôi không trách ekip hay phê phán họ, tôi nghĩ họ chưa đủ trải nghiệm như những ông bố bà mẹ. Xã hội của chúng ta cũng còn bỡ ngỡ truớc vấn đề này. Tôi chỉ ước giá mà họ có thể làm tốt hơn. Chứ không phải theo cách như thế”, anh Thắng nhận định.
Vì những lý do đó, anh Thắng không cho rằng đây là bộ ảnh tốt, dù có thể ý tưởng, mong muốn khi thực hiện là tốt. Nó bị cuốn vào mong muốn bày tỏ thông điệp quá và lấn át đi sự tinh tế, nhân ái cần phải có khi thực hiện về chủ đề nhạy cảm. Ngay từ việc cố truyền tải thông điệp bất chấp bằng tạo hình và thủ pháp thể hiện ẩu, đã cho thấy cái tâm và tầm chưa thực sự ổn của ekip. Nó cho thấy cái ekip thực sự muốn không phải vì “lũ trẻ”.
“Không thể mang sự hồn nhiên trong sáng tạo ra để coi là khiên đao bảo vệ lũ trẻ. Họ có vẻ vì chính mình. Tôi không cố ý nói chuyện branding, ý tôi là họ thoả mãn quan điểm, tư duy của họ thôi. Còn branding – tự bộ ảnh nó đã thể hiện rất rõ rồi”.
“Việc credit xuất hiện quá nhiều cũng cho thấy mục tiêu của bộ ảnh là gì. Tuy nhiên tôi không quan tâm lắm vào điều đó” – nhiếp ảnh Lê Thế Thắng chia sẻ.
Cuối cùng, anh Thắng nhấn mạnh việc luôn phải cân nhắc cẩn thận, đặc biệt nên tham khảo và hợp tác cùng các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý học, bác sỹ… Dung hoà khát vọng, ham muốn của bản thân với tiêu chuẩn và nhận thức cộng đồng. Và quan trọng, làm mọi thứ bằng cái tâm trong sáng, hướng thiện.
Liên hệ luật sư Diệp Năng Bình (đoàn luật sư TP. HCM), ông đánh giá cao ý tưởng và mục đích của êkip, về tính thời sự… Tuy nhiên, có vài điều mà bản thân ông nhận thấy cần phải xem xét lại về bộ ảnh này.
“Hình ảnh bé gái mang bầu theo tôi cũng là một sự kịch tính hóa. Không chỉ trẻ em gái mới là mục tiêu của xâm hại tình dục mà ngay cả các bé trai cũng bị. Hành vi xâm hại tình dục đâu phải lúc nào cũng hiển hiện là có bầu mà nó còn là sự chấn động tâm lý từ những cái ôm, cái hôn, lời trêu ghẹo vô cớ vẫn là thứ khó đo đếm và bị xem nhẹ, như có thể thấy trong vụ xử phạt 200.000 đồng với kẻ bức hôn trong thang máy gần đây mà dư luận hay bản thân tôi hết sức bất bình”.
Theo luật sư Bình, những vấn đề xã hội phức tạp như nạn xâm hại tình dục trẻ em chưa bao giờ là một thứ dễ lột tả bằng hình ảnh và bất kỳ thời đại nào, xã hội nào cũng có. Bộ ảnh chỉ phản ánh một thực trạng xã hội chứ không đưa ra được giải pháp. Bộ ảnh phải giúp các em trang bị được kiến thức bảo vệ bản thân và cần đưa ra các giải pháp để giúp các em đề cao cảnh giác.
“Theo tôi được biết, êkip “Những đứa trẻ mang bầu” đã nhận được sự đồng ý cho chụp ảnh của các em bé và gia đình các em, như vậy không vi phạm các điều khoản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Thế nhưng, qua theo dõi từ chia sẻ của chính nhiếp ảnh Dạ Miêu, tôi được biết ban đầu các em cũng có sợ khi đeo bụng bầu giả, sợ bị các bạn cười nhưng được các thầy cô, gia đình động viên nên mới mạnh dạn thực hiện.
Như vậy ý chí của em đã bị chính người lớn tác động để đi theo hướng của người lớn mong muốn chứ không còn là ý chí độc lập của các em nữa. Đó là điều mà pháp luật không cho phép.
Thường khi chụp trẻ em với nội dung như thế này, người ta sẽ làm tối gương mặt, hoặc chụp giấu mặt. Khi họ chụp rõ nét gương mặt các em, hình ảnh rất dễ để kẻ xấu cắt cúp đưa lên các trang đồi trụy. Lúc đấy thì bản thân các em tham gia những bức hình này có thể trở thành đối tượng của những kẻ xấu. Bộ ảnh sẽ có tác dụng ngược”, vị luật sư này chia sẻ thêm.
“Tại sao người ta có thể thấy một gương mặt bé thơ trong sáng hồn nhiên nhưng không được phép thấy nỗi đau của chúng?”
Với góc nhìn của mình, đạo diễn Việt Tú lại cho rằng “không thấy có vấn đề gì phải tranh cãi”. Theo anh, bộ ảnh có mục đích tốt và hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
“Cá nhân tôi thấy những người tham gia vào dự án này là với mục đích tốt, hướng đến điều tử tế. Tôi ủng hộ ý nghĩa tốt đẹp của hành động ấy, việc góp ý tranh luận cần văn minh cũng như tôn trọng sự tử tế mà họ (ekip sáng tạo) đã làm cho cộng đồng. Và tôn trọng các ý kiến trái chiều khác đang diễn ra trên mạng mặc dù tôi chưa được đọc nhiều.
Đạo diễn Việt Tú
Hãy để mọi người tranh luận bình đẳng và hy vọng sắp tới cộng đồng sẽ tiếp tục có những dự án sáng tạo, nhân văn để làm thay đổi thực trạng: Ấu dâm, Quấy rối tình dục và cả Lái xe không an toàn nữa. Còn việc mọi người tranh cãi là quan điểm cá nhân, cần tôn trọng ý kiến mỗi người, nhưng tranh luận nên kèm theo giải pháp, chứ cảm tính cá nhân không thì khó….”, đạo diễn Việt Tú nói.
Rất nhiều ý kiến cho rằng gương mặt những bé gái trong bộ ảnh này cần được che chắn tinh tế hơn (bằng cách sử dụng mặt nạ, setup ánh sáng và góc chụp khuất) hơn là lộ rõ mặt các em như thế vì chính người thân các em cũng không lường trước những hậu quả tâm lí về sau khi cho con mình tham gia vào đề tài nhạy cảm này.
Nhưng theo quan điểm của Việt Tú: “Nếu ekip sáng tạo trước khi chụp đã có mô tả ý tưởng với cha mẹ, người thân của các con, sau khi chụp đã gửi hình ảnh để duyệt trước khi đăng tải, tôi nghĩ nên tôn trọng cả hai bên. Vì như tôi nói, tận cùng của vấn đề là họ hướng đến một mục đích tử tế cho xã hội. Có ai đó phải làm một điều gì đó để thay đổi thực trạng xã hội, tranh cãi mà không làm gì thì theo tôi vô tác dụng”.
Nói về typo và credit ảnh xuất hiện dày đặc trong từng khung hình, đạo diễn Việt Tú nói không có bất cứ quy định nào về việc gắn credit lên các sản phẩm ảnh tuyên truyền, nó cũng là quan điểm của mỗi người. “Tôi thấy không vấn đề gì với credit nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không đưa credit lên hình ảnh, mà sẽ chọn cách làm truyền thông khác để mọi người biết đến ekip đã làm một việc ý nghĩa như vậy”.
Đồng tình với đạo diễn Việt Tú, nhà làm phim độc lập Lê Kim Hưng cho rằng đây là một bộ ảnh tốt được dàn dựng với sự đồng ý của người mẫu nhí, có tính biểu tượng, không hề phản cảm và gây được sự chú ý với mọi người.
Bên cạnh đó, anh Hưng cũng nói thêm: “Đây được xem như cách dàn dựng của một bộ phim và người xem thì đều biết những nhân vật trong ảnh chỉ là diễn xuất. Các bé gái xuất hiện trong các khung hình đều có dáng điệu, phục trang, diễn xuất vừa phải, không có ai làm lố cả. Tại sao người ta có thể thấy một gương mặt bé thơ trong sáng hồn nhiên nhưng không được phép thấy nỗi đau của chúng?”.
Trước những ý kiến cho rằng việc xuất hiện nhiều credit tên người tham gia và typo chữ khổ lớn khiến nhiều người lầm tưởng là một sản phẩm PR, anh Lê Kim Hưng lại không đồng tình với ý kiến này. “Đây rõ ràng không phải một bộ ảnh thuần túy, nó gần như được xem là một poster tuyên truyền. Những người thực hiện đưa ra rất rõ thông điệp của họ. Ngoài tác dụng quảng cáo, logo những người thực hiện có trong từng poster giống như hoạ sỹ ký tên lên tranh vậy, nó chỉ nhằm nhấn mạnh: Đây là tác phẩm của tôi, là quan điểm của tôi và tất nhiên, tôi là người chịu trách nhiệm chính cho quan điểm này”.
Là một trong những người ủng hộ nhóm tác giả thực hiện bộ ảnh gây rúng động về nạn xâm hại trẻ em, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng những ý kiến chỉ trích hay không chỉ trích cũng chỉ là quan điểm của từng người.
“Tôi cũng có theo dõi những cuộc tranh luận mấy ngày nay thì những người có phản ứng trái chiều hầu hết là các nhiếp ảnh gia, họ cho rằng ảnh chụp không tới, chụp phản cảm… Rất nhiều người đem bộ ảnh của nước ngoài ra để so sánh, đó cũng là cách hay nhưng chúng ta cần hiểu, mỗi tác giả, mỗi nền văn hóa có cách thể hiện khác nhau.
Nhà báo Trương Anh Ngọc.
Cái quan trọng nhất của bộ ảnh là đã nêu lên được vấn đề nhức nhối trong xã hội. Dư luận đưa ra quan điểm tức là có quan tâm đến bộ ảnh và người ta chỉ muốn nó được thể hiện tốt hơn. Tôi không muốn lao vào các cuộc tranh cãi mà tôi muốn hướng đến những gì lớn lao hơn, đó là bộ ảnh nói lên vấn đề gì, và việc của chúng ta là nên chia sẻ nó”.
Theo anh Ngọc, nhiều người cảm thấy rờn rợn, bị giật bắn mình khi bộ ảnh có tác động quá mạnh. Nhiều người nói tại sao không thể hiện nhẹ nhàng hơn nhưng theo anh, có lẽ phải thực hiện như vậy thì mới gây được ấn tượng.
“Xét về mặt truyền thông, tôi cho rằng bộ ảnh thành công khi nhận được rất nhiều chia sẻ và gây được tranh cãi trong công luận mà không gây sự tẩy chay.
Về cách thể hiện, nhiều người thắc mắc tại sao không che mặt thì tôi cho rằng họ đã có những hợp đồng với gia đình của các bé và các bé cũng đều biết ý tưởng của bộ ảnh như thế nào. Cơ bản do mỗi người cảm nhận bức ảnh ra sao, cá nhân tôi thấy không phản cảm. Một số người cho rằng nên đeo mặt nạ, hóa trang cho những nhân vật xuất hiện trong ảnh nhưng tôi không ủng hộ. Bởi nạn nhân của xâm hại tình dục mỗi người có một gương mặt, một tâm hồn, một số phận khác nhau nên không thể đóng khung như vậy.
Trên ảnh có credit, có con số, có dòng chữ khá ấn tượng khiến nhiều người nghĩ ekip tự đánh bóng bản thân, nhưng tôi nghĩ mọi người nên cởi mở hơn. Còn những vấn đề khác, tôi tin ekip sẽ lắng nghe, rút kinh nghiệm và thay đổi khi thực hiện những bộ ảnh sau”, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ.
“Những ảnh hưởng tâm lý trẻ em, thời điểm này chưa thể lường hết được”
Khác với góc nhìn của người làm nghệ thuật, sáng tạo, chuyên gia tâm lí Trịnh Trung Hòa (cựu giảng viên Tâm lý học tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) để tâm hơn đến vấn đề tâm lý và các hậu quả sau này có thể xảy đến với các em tham gia dự án.
“Việc các cháu đồng ý có thể là vì người lớn tác động, vì các cháu chưa có nhận thức đầy đủ về những điều có thể xảy ra khi hình ảnh của mình xuất hiện công khai trong những bộ dạng đáng thương như vậy. Việc cha mẹ các cháu và ekip đăng hình ảnh có thể cũng là do chưa ý thức và dự đoán được hết những tác động tiêu cực lên cuộc sống của các cháu, bằng chứng là bộ ảnh đã gặp vô số những bình luận, chỉ trích khác nhau mà các chỉ trích đó đều là hợp lý, xác đáng.
Hậu quả của hành vi đăng hình ảnh các cháu lên như vậy rất khó nói, vì cho dù rất lâu sau này, những hình ảnh đó vẫn tồn tại, ví dụ nếu như có một sự việc gì đó về ấu dâm, người ta mang những hình ảnh này ra minh họa, như vậy thì cuộc sống các cháu nhẹ nhất là bị phiền toái, nặng hơn là bị người ta đàm tiếu, có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý trẻ em mà thời điểm này chưa thể lường hết được.
Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các bậc cha mẹ để cân nhắc kỹ hơn việc đồng ý cho đăng hình ảnh con em mình, hy vọng chuyện này sẽ không tái diễn”, chuyên gia tâm lí Trịnh Trung Hòa phân tích.
Theo: kenh14.vn