Thị trường sữa Việt: Cuộc tranh đua giành thị phần

Ngành sữa Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và điều kiện để phát triển, nhưng thị trường này dường như đã bị rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Bài toán nào cho ngành sữa Việt Nam khi Hiệp định CPTPP đã được ký kết? Cạnh tranh khốc liệt Từ năm […]

Ngành sữa Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và điều kiện để phát triển, nhưng thị trường này dường như đã bị rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Bài toán nào cho ngành sữa Việt Nam khi Hiệp định CPTPP đã được ký kết?

Cạnh tranh khốc liệt

Từ năm 2010 – 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,4 tỷ USD mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm Việt Nam bỏ ra 817 triệu USD để nhập khẩu sữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các thị trường nhập khẩu chính gồm: New Zealand, Singapore, Mỹ, Ðức, Thái Lan… Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường New Zealand đạt 232,8 triệu USD, chiếm tới 26,9% và tăng 26% so với năm 2016. Kế đến là Singapore và Mỹ với kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 122,4 triệu USD và 67,8 triệu USD. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 37 triệu USD sữa và các sản phẩm từ sữa.


Hệ thống vắt sữa bò hiện đại của Tập đoàn TH Ảnh: A.D
Thị trường sữa tại Việt Nam, nhất là sữa bột hiện đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự góp mặt của hơn 300 thương hiệu. Khi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thuế nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu sữa chính dần giảm về 0% thì sức ép của các hãng sữa ngoại lên các doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn và nếu không có những hành động cụ thể thì rất có thể các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ mất luôn cả thị phần eo hẹp.

Nguyên nhân của tình trạng trên do người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng sử dụng các dòng sản phẩm ngoại nhập. Với những ưu thế cả về thương hiệu lẫn nguồn lực, thị trường sữa bột do các hãng ngoại độc chiếm thị phần và các doanh nghiệp nội địa phải chịu lép vế ngay trên sân nhà.  Dự báo tình trạng này còn trầm trọng hơn khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới.

 

Doanh nghiệp tiên phong

Mặc dù ngành sữa có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ngoại nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng cải thiện tình hình sản xuất, nâng cao đầu tư dây chuyền máy móc, mở rộng xuất khẩu. Ðiển hình như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đóng góp đến 55% lượng sữa bột xuất khẩu cả nước, Vinamilk là doanh nghiệp xuất khẩu sữa bột lớn nhất cả nước trong năm 2017 với giá trị xuất khẩu đạt 46,6 triệu USD. Hiện sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Ðức, khu vực Trung Ðông, khu vực Ðông Nam Á…

Hay như Tập đoàn TH, thời gian qua đã rót 2,7 tỷ USD vào dự án tổ hợp chăn nuôi, chế biến bò sữa và đầu tư sản xuất thực phẩm hữu cơ. Dự kiến, trang trại này nuôi 350.000 con bò với tổng diện tích vùng nguyên liệu tập trung là 140.000 ha, công suất chế biến sữa đạt 1,8 triệu tấn/năm.

Ðối với mặt hàng sữa nước, năm 2017, các doanh nghiệp sữa Việt Nam sản xuất được trên 1.333,4 triệu lít sữa nước, tăng 6,6% so năm 2016. Trong khi đó, sữa nước nhập khẩu cả năm 2017 chỉ đạt khoảng 30,6 triệu USD với khối lượng 32,2 triệu lít. So với sản lượng sữa nước sản xuất trong nước thì lượng nhập khẩu chỉ bằng 2,4%. Kết quả này có được là nhờ sự mạnh dạn đầu tư sản xuất từ doanh nghiệp.

 

Cải thiện lợi thế cạnh tranh

Mặc dù ngành sữa bị cạnh tranh khốc liệt nhưng theo các chuyên gia, nếu có những chiến lược phát triển cụ thể và hiệu quả thì các doanh nghiệp trong nước vẫn có thể cải thiện lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Các doanh nghiệp có thể cải thiện chất lượng nguồn cung sữa nguyên liệu, giảm thiểu chi phí sản xuất, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu cũng như sự kết nối trong ngành.

nganh sua

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chỉ ra: Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm sữa nhập khẩu ngày chính trên sân nhà thì một mặt, các công ty, người chăn nuôi trong nước vừa phải áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghiệp chế biến, với mục đích đa dạng hóa sản phẩm chế biến, hướng tới phân khúc sản phẩm cao cấp như: Sữa hữu cơ, thực phẩm tách chiết từ sữa… đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu và nâng cao giá trị của ngành. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sữa để bảo đảm sự minh bạch và công khai về chất lượng sữa.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ về mặt tài chính lẫn kỹ thuật để giúp người nông dân nâng cao chất lượng con giống, cải thiện kỹ thuật chăn nuôi. Chính phủ cần đưa ra các quy định, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, kết hợp với các doanh nghiệp tạo dựng các kênh thông tin tham khảo tin cậy cho người tiêu dùng… Tăng cường khâu liên kết giữa nhà chăn nuôi và doanh nghiệp.