Tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được mọi người tiêu dùng quan tâm. Có thể nói, an toàn thực phẩm là một tiêu chí hàng đầu khi đánh giá một sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Một trong các tiêu chí quan trọng để […]

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được mọi người tiêu dùng quan tâm. Có thể nói, an toàn thực phẩm là một tiêu chí hàng đầu khi đánh giá một sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm là “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ” và “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

Trong những năm gần đây, tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap và Hữu cơ để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, phù hợp với xu hướng chung toàn cầu. Để hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn trên,  VietGap là gì?

Quầy hàng bán cam VietGAP tại thành phố Hà Giang.

Tiêu chuẩn VietGAP dùng để đánh giá các sản phẩm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở mức độ an toàn cho người tiêu dùng theo tiêu chí của Việt Nam.

Ngày 28.1.2008, tiêu chuẩn VietGAP chính thức được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành. VietGAP (viết tắt của cụm từ Vietnam Good Agricultural Practices), có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí:

– Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.

–  Đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất, không bị nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.

– Sản phẩm làm ra không được lạm dụng sức lao động của người nông dân.

– Sản phẩm làm ra phải có nguồn gốc rõ ràng, tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, tiêu chuẩn VietGAP qui định rõ những yếu tố chính trong sản xuất nông nghiệp như: Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất, giống và gốc ghép; quản lý đất và giá thể, phân bón và các chất phụ gia; nguồn nước tưới, hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật); quá trình thu hoạch và xử lý sau thu hoạch đối với sản phẩm; sản phẩm phải đảm bảo có qui trình quản lý và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn lao động; có sổ ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm khi xảy ra khiếu nại; sản phẩm phải có quá trình kiểm tra nội bộ, khiếu nại và giả quyết khiếu nại về sản phẩm (nếu có).

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là gì?

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên, theo truyền thống lâu đời của con người để tạo ra sản phẩm. Theo qui định của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), khi sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giống gieo trồng phải do con người tự chọn lọc, bảo quản, không phải là giống cây trồng chuyển gen; đất trồng  không được sử dụng bất cứ một loại phân hóa học nào, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học và phải được sử dụng nước sạch trong quá trình canh tác.

Nếu nguồn đất canh tác trước đó có sử dụng các loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì phải cách ly khoảng 3 năm mới được dùng để canh tác. Sản phẩm sau khi thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản phải được sử dụng công cụ và bao bì, đồ chứa sạch, không được sử dụng các chất cấm trong bảo quản.

Nếu đối chiếu với lịch sử canh tác truyền thống của nông dân Việt Nam, thì trong hàng nghìn năm qua, người nông dân đã sử dụng các loại vật liệu, giống tự nhiên, không có chất hóa học nên cũng được gọi là nông nghiệp hữu cơ.

Qua những khái niệm trên, thì sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đều là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các sản phẩm này được tạo ra từ những phương thức canh tác và truyền thống canh tác khác nhau của người nông dân.

Phạm Văn Phú

(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)