Khởi nghiệp chưa tới 2 ha đất khai phá trồng cà phê thực sinh rồi tự nghiên cứu, thực hành ghép tái canh từ đầu những năm 2000 đến nay, hai anh em Phạm Xuân Trường (sinh năm 1967) và Phạm Quang Sơn (sinh năm 1972) ở xã Ðạm Ri, Bảo Lộc đã chọn tạo […]
Khởi nghiệp chưa tới 2 ha đất khai phá trồng cà phê thực sinh rồi tự nghiên cứu, thực hành ghép tái canh từ đầu những năm 2000 đến nay, hai anh em Phạm Xuân Trường (sinh năm 1967) và Phạm Quang Sơn (sinh năm 1972) ở xã Ðạm Ri, Bảo Lộc đã chọn tạo ra nhiều loại giống cà phê đầu dòng cao sản mang thương hiệu Trường Sơn, góp phần nâng cao giá trị chuyển đổi trên từng đơn vị diện tích đất ở trong và ngoài tỉnh Lâm Ðồng.
Cà phê TS5 xanh lùn với 7 tấn nhân/ha
Một ngày tháng 6/2018, phóng viên tìm đến Vườn ươm cà phê Trường Sơn vừa được Sở NN&PTNT Lâm Đồng công nhận nguồn giống cà phê xanh lùn (tên giao dịch là cà phê TS5) đầu dòng ở xã Đạm Bri, Bảo Lộc. Vườn ươm bên cạnh vườn sản xuất trình diễn tổng cộng khoảng 5ha, nằm cách đường nhựa lớn khoảng hơn năm trăm mét, xe tải các loại thuận tiện vận chuyển từng chuyến hàng cây giống cà phê xanh lùn chở đi cung cấp đến nông dân từ trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và xuôi về các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Một nhà nông trung niên đến từ tỉnh Đồng Nai cho rằng, giống cà phê xanh lùn TS5 thu hoạch niên vụ năm 2017-2018 vừa qua ở khu vườn cà phê của ông và các khu vườn lân cận đạt năng suất đến 7 tấn nhân/ha, giá bán đạt ở mức tương đối cao so với mặt bằng chung của các loại cà phê khác. Mùa mưa năm nay, gia đình ông cùng với những hộ gia đình nông dân khác ở Đồng Nai mở rộng thêm nhiều hecta trồng cà phê xanh lùn giống ghép mới của “Trường Sơn”.
Trong lúc điều hành nhân công sắp xếp từng bịch giống cà phê TS5 ghép đưa lên xe tải xuất vườn, chủ nhân Phạm Quang Sơn đưa phóng viên vào giữa khu nhà lưới xanh ngát. Sơn cho biết, để có một cây giống cà phê TS5 xuất vườn phải mất thời gian từ 15-16 tháng ươm trồng trên vùng thổ nhưỡng, khí hậu Đạm Bri, Bảo Lộc. Đầu tiên chọn giống cà phê vối hoặc cà phê mít khỏe mạnh để gieo hạt. Hạt nẩy mầm phát triển thành cây con đến gần một năm sau bắt đầu ghép với đọt cây cà phê xanh lùn đầu dòng. Chăm sóc cây ghép với kỹ thuật riêng biệt của “Trường Sơn” khoảng 3-4 tháng tiếp theo trước khi đưa ra kinh doanh. “TS5 là giống cà phê xanh lùn phù hợp với mật độ trồng 1.500 cây/ha. Đưa ra vườn trồng và cung cấp dinh dưỡng khoảng 30 tháng sinh trưởng sẽ bắt đầu thu trái bói với năng suất 2-3 tấn nhân/ha”, chủ nhân Phạm Quang Sơn thông tin.
20 năm kinh nghiệm ghép cây giống đầu dòng
Cụ thể hơn vào tháng 5/2018, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã quyết định công nhận giống cà phê xanh lùn TS5 đạt tiêu chuẩn giống đầu dòng để sản xuất nhân rộng trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Theo đó, TS5 với những đặc điểm nổi trội như: Cây sinh trưởng khỏe, khả năng phát đọt, vươn cành mạnh mẽ; chiều cao 2 m, khép tán hình trụ với đường kính 2,5-3 m. Lá dài 24,5 cm, rộng 10,5 cm, khi ở giai đoạn thành thục có màu xanh đậm. Trái chín màu đỏ cam, dạng quả thuôn dài dễ hái. Năng suất giai đoạn kinh doanh bình quân 4-4,5 tấn nhân/ha/năm. Ngoài khả năng kháng bệnh rỉ sắt và chống chịu hạn hán, giống cà phê TS5 ít nhiễm các loại dịch bệnh thán thư, nấm hồng; ngoài ra canh tác khá thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu tại tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khu vực miền Đông Nam Bộ…
Kết quả tính từ năm 2012 đến nay, mỗi năm “Trường Sơn” bán ra khoảng 500.000 cây giống cà phê xanh lùn TS5, giá 12.000 đồng/cây, thành tổng doanh thu 6 tỷ đồng. Trước đó, “Trường Sơn” đã khảo nghiệm thành công giống cà phê xanh lùn TS5 trên các vùng đất Bảo Lộc và Bảo Lâm qua các giai đoạn ghép tạo giống đầu dòng (năm 2004-2007), trồng kinh doanh quy mô vài hecta, đạt năng suất 3 tấn nhân/ha (năm 2007-2010), phát triển đại trà 20 ha, năng suất 5-7 tấn nhân/ha (năm 2010 đến nay). Và đây cũng là bước nối tiếp khởi nghiệp chọn tạo, ghép mới các giống cà phê được công nhận tiêu chuẩn đầu dòng từ thập niên đầu những năm 2000 gồm TS1, TS2 và TS4, mỗi giống tiêu thụ trên dưới 300.000 cây/năm.
Với kỹ thuật và kinh nghiệm ghép tạo cây cà phê đầu dòng gần 20 năm nêu trên, Vườn ươm Trường Sơn đang ứng dụng hiệu quả vào việc ghép tạo giống sầu riêng Monthong Thái Lan trên đất Đạm Bri, Bảo Lộc. Tính riêng trong 2 năm qua, mỗi năm “Trường Sơn” xuất vườn bán cả trăm ngàn cây giống sầu riêng Monthong thu về hơn chục tỷ đồng. Ngoài ra, giống bơ 034 cũng đã và đang được “Trường Sơn” khảo nghiệm, nhân rộng cây ghép đầu dòng đạt những thành công bước đầu, đáp ứng một phần nhu cầu phát triển đa dạng cây trồng của nông dân vùng cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Văn Việt – Báo Lâm Đồng