Nông dân An Giang khốn đốn vì tham gia dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra

Năm 2014, tỉnh An Giang triển khai thí điểm dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Công ty Thuận An). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ doanh nghiệp này đã bỏ trốn, đẩy nông dân […]

Năm 2014, tỉnh An Giang triển khai thí điểm dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Công ty Thuận An). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ doanh nghiệp này đã bỏ trốn, đẩy nông dân An Giang lâm vào cảnh khốn đốn, chính quyền địa phương cũng đang loay hoay tìm hướng giải quyết vụ việc.
Ao nuôi cá tra của người dân bỏ hoang 3 năm nay sau khi tham chuỗi liên kết nuôi cá tra Tafishco của Công ty Thuận An đổ vỡ.

Liên kết 3 bên đổ vỡ
Tháng 5/2014, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh An Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ quy định về việc triển khai thí điểm cho vay chuỗi liên kết sản xuất, thời gian kết thúc thí điểm là 28/5/2016.
Theo đó, dự án thí điểm Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco của Công ty Thuận An với sự tham gia của 3 bên: nông dân, Công ty Thuận An, Agribank An Giang. Khi tham gia chuỗi, các hộ không nhận tiền mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá, được ngân hàng trả tiền thay, rồi ký nhận nợ với ngân hàng. Khi cá thu hoạch sẽ được bán “độc quyền” cho Công ty Thuận An. Sau đó, công ty này có trách nhiệm tất toán khoản vay của nông dân với ngân hàng, người dân sẽ nhận phần chênh lệch còn lại.
Sau khi kết thúc thí điểm giai đoạn 1, UBND tỉnh An Giang nhận thấy mô hình này rất hiệu quả và được kỳ vọng là bước đột phá trong ngành nuôi, chế biến cá tra của An Giang nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Do đó, ngày 9/3/2016, UBND tỉnh An Giang tiếp tục có văn bản số 265/UBND-TH gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng ý gia hạn thêm 2 năm, đến hết ngày 28/5/2018 theo Quyết định 2096/QĐ-NHNN.
Căn cứ theo Quyết định 1051/QĐ-NHNN cùng ngày 28/5/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc phê duyệt danh sách ngân hàng thương mại và khách hàng tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ và Quyết định 1319/QĐ-NHNN ngày 7/7/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định 1051/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014, thì Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco của Công ty Thuận An có tổng mức phê duyệt cho vay là 416 tỷ đồng, gồm mức vay của vùng nuôi Công ty là 116 tỷ đồng và vùng nuôi của 30 hộ dân tham gia liên kết là 300 tỷ đồng.
Ngày 15/9/2016, Agribank An Giang đã ký hợp đồng cấp tín dụng 116 tỷ đồng cho Công ty Thuận An thực hiện nuôi cá tra trong Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco. Cũng trong ngày này, Agribank An Giang ký tiếp 1 hợp đồng cấp tín dụng khác cho Công ty Thuận An vay 380 tỷ đồng vào hoạt động sản xuất kinh doanh; trong đó, tài sản mà Công ty Thuận An thế chấp trị giá chỉ hơn 244 tỷ đồng.
Cuối tháng 10/2016, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An Nguyễn Thị Huệ Trinh đi công tác nước ngoài, không trở về, “ôm” theo số tiền hơn 62 tỷ đồng bán cá của nông dân và 496 tỷ đồng vay của Agribank An Giang. Từ đó Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco đổ vỡ. Lúc này, Agribank An Giang mới “tá hỏa”, căn cứ vào từng hợp đồng tín dụng ký với từng hộ dân tham gia chuỗi để “quy nợ” cho các hộ nuôi, yêu cầu họ phải trả, trong khi nông dân đã giao cá cho công ty mà chưa nhận được tiền.
Nông dân khốn đốn
Là một trong những hộ dân được lựa chọn tham gia Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco, ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú), đã cải tạo lại 5 ao cá với 2,8 ha mặt nước, đồng thời thế chấp tài sản hơn 2 tỷ đồng cho Agribank An Giang để nuôi cá tra theo mô hình này.
Theo ông Tấn, thời gian đầu thực hiện Chuỗi liên kết rất tốt, bình quân nông dân thu lãi từ 1.500 – 3.000 đồng/kg so với nuôi bên ngoài. Mặt khác, tất cả dòng tiền trong chuỗi được chuyển khoản qua tài khoản mở tại Agribank An Giang, gồm thanh toán tiền mua thức ăn, tiền bán cá, thu tiền cá xuất khẩu của doanh nghiệp từ nước ngoài về, tiền lời của các hộ nuôi cá…nên bảo đảm nguồn vốn đầu tư đúng mục đích.
“Giai đoạn 1, Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco của Công ty Thuận An vận hành rất hiệu quả nhưng khi chuyển sang giai đoạn 2 chưa được bao lâu thì đổ vỡ do chủ doanh nghiệp đi công tác nước ngoài rồi “mất tích” để lại khoản nợ khổng lồ cho các hộ dân tham gia chuỗi”, ông Tấn nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Lê Quang Vinh (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) bức xúc: Ngay từ đầu tham gia đến thời điểm lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, nông dân làm rất tốt từ việc vay vốn mua thức ăn, chăm sóc cá và giao cá đúng hẹn, đạt chất lượng theo đúng cam kết với doanh nghiệp. Gia đình ông vay chi phí thức ăn 9,6 tỷ đồng nhưng đã giao cá cho Công ty Thuận An trị giá hơn 9,7 tỷ đồng, còn dư hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng Agribank An Giang không trả cho ông số tiền dư ra, không giao lại tài sản thế chấp hơn 2,7 tỷ đồng, ngược lại, còn yêu cầu ông trả nợ gốc. Không những vậy, Ngân hàng còn đưa ông vào nợ xấu nhóm 5 khiến gia đình kiệt quệ vì không còn vốn làm ăn.
 
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, ngụ thành phố Long Xuyên(An Giang) bên ao nuôi cá tra bỏ hoang 3 năm nay sau khi tham chuỗi liên kết nuôi cá tra Tafishco của Công ty Thuận An đổ vỡ. 
 
Ông Nguyễn Văn Nghiệp (ngụ thành phố Long Xuyên) cho biết: Các hộ dân và Công ty Thuận An được tham gia chuỗi đều do tỉnh An Giang và Agribank An Giang lựa chọn. Trong khi đó, nông dân tham gia chuỗi chỉ vay vốn bằng thức ăn, sau đó “trả nợ” bằng việc giao cá cho Công ty Thuận An. Quá trình vận hành chuỗi cho sự giám sát của Ban quản lý chuỗi gồm đại diện của UBND tỉnh An Giang, trực tiếp là Sở Công thương tỉnh, đại diện Agribank An Giang và Công ty Thuận An. Tuy nhiên, khi lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, kéo theo chuỗi đổ vỡ thì Agribank An Giang lại đẩy trách nhiệm cho nông dân, buộc họ phải trả tiền nợ vay thức ăn nuôi cá khi tham gia chuỗi. Điều này dẫn đến nông dân phải trả nợ 2 lần, vì trước đó đã giao cá cho công ty.
Sớm giải quyết vụ việc
Đã hơn 3 năm kể từ khi dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco của Công ty Thuận An ở tỉnh An Giang đổ vỡ nhưng các ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa tìm được hướng giải quyết cho vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Trần Văn Tiến, Phó đội trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang cho biết, vụ án này trước đây là Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an thụ lý. Sau quá trình điều tra, khởi tố vụ án và khởi tố bị can được chuyển cho cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang thụ lý. Tuy nhiên, do bà Nguyễn Thị Huệ Trinh và ông Nguyễn Thái Sơn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thuận An – chồng bà Trinh) đã “bỏ trốn” nên Bộ Công an cũng đã làm thủ tục để tiến hành truy nã đối với hai người này.
“Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra, Công an tỉnh An Giang đã tổng hợp các khóa điều tra, trong đó có thực hiện các biện pháp giám định tư pháp về ngân hàng tiền tệ, giám định tư pháp về lĩnh vực tài chính kế toán, định giá tài sản trong thủ tục hình sự liên quan đến tài sản của Công ty Thuận An vay. Tài sản này đang nằm rải rác tại An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Khó khăn của cơ quan điều tra là thời hạn giám định tư pháp kéo dài, đến nay vẫn chưa có kết quả. Cơ quan điều tra bắt buộc tạm đình chỉ điều tra, bị can để chờ kết quả giám định. Sau khi nếu có kết quả giám định sẽ phục hồi điều tra theo quy định của pháp luật”, Trung tá Trần Văn Tiến cung cấp thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco được hình thành từ rất sớm với mong muốn đưa con cá tra đi xa, tạo thế mạnh cho tỉnh và  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình vận hành, giai đoạn 1 rất tốt, đến giai đoạn 2 mới phát sinh sự cố. Việc tranh chấp kéo dài đến bây giờ là do chủ doanh nghiệp Thuận An bỏ trốn.
Lãnh đạo tỉnh, Agribank An Giang cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị xử lý theo ý kiến người dân nhưng không được đơn vị này chấp thuận. Giấy tờ thế chấp của nông dân đến nay Agribank An Giang vẫn giữ. Lãnh đạo tỉnh An Giang mong muốn giải quyết sớm việc này trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân.
Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)