Trăn trở trái cây Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam chia sẻ với Báo NNVN những lợi thế cây ăn trái Việt Nam cùng những khiếm khuyết trong tổ chức sản xuất cần khắc phục để Việt Nam mau chóng trở thành cường quốc rau quả thế giới. PGS.TS Nguyễn Minh Châu. […]

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam chia sẻ với Báo NNVN những lợi thế cây ăn trái Việt Nam cùng những khiếm khuyết trong tổ chức sản xuất cần khắc phục để Việt Nam mau chóng trở thành cường quốc rau quả thế giới.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu.

Đất nước trái cây ngon
Việt Nam là đất nước nhiệt đới vĩ tuyến kéo dài, nắng nhiều, mưa nhiều, sinh thái đa dạng và phân vùng rõ rệt. Ông có thể nêu một số lợi thế nổi bật trong sản xuất trái cây của Việt Nam?
– Lợi thế nổi bật nhất là trái cây nhiệt đới rất đa dạng như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài, mít, ổi, thanh long, chuối, dứa (khóm)… Không phải nơi nào trên thế giới cũng sản xuất được sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, nhãn, bưởi, chuối, khóm như ở miền Nam Việt Nam.
Còn vùng Tây Nguyên nước ta với đất đỏ bazan rất lợi thế để sản xuất các loại trái cây ngon như sầu riêng, bơ, chanh dây. Hay vùng Tây Bắc có những cây trái đặc thù mận, đào, hồng, gần đây có thêm cây xoài Đài Loan trồng nhiều ở Sơn La hay bơ ở cao nguyên Mộc Châu cũng tỏ ra thích ứng rất tốt.
Vải, nhãn lồng ở Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương vùng đồng bằng sông Hồng thì rất nổi tiếng rồi. Vùng Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế lại rất phù hợp với cam Vinh, bưởi Phúc Trạch, thanh trà, mít… Việt Nam phải nói là đất nước trái cây ngon và đa dạng chủng loại.
Năm 2018 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt tới 3,8 tỷ USD và năm 2019 dù khó khăn về một số thị trường nhất là Trung Quốc ngừng nhập khẩu tiểu ngạch nhưng xuất khẩu rau quả vẫn tương đương năm trước. Tuy vậy xuất khẩu rau quả Việt Nam chưa xứng tiềm năng so với “rổ rau quả” thế giới, nhất là trái cây, một thế mạnh của Việt Nam. Vậy chúng ta còn những điểm yếu gì cần khắc phục ngay trước mắt và lâu dài?
– Điểm yếu còn nhiều, từ kỹ thuật làm vườn ươm đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, tổ chức sản xuất của chúng ta phải nhìn nhận chưa thực sự tốt. Theo tôi sản xuất cây ăn trái còn một số tồn tại cần khắc phục cụ thể như sau:
a. Kỹ thuật
Cây giống nói chung được sản xuất theo hướng rẻ tiền chứ chưa theo hướng chất lượng cao, không cần phải sạch bệnh như ở các nước tiên tiến. Nhiều vùng cây ăn trái lớn chưa có vườn ươm đạt yêu cầu về kỹ thuật, làm vội vàng, cây bé nhỏ về vóc dáng và không sạch bệnh.
Thí dụ điển hình là vùng Chợ Lách (Bến Tre) chỉ làm cây giống rẻ tiền, nhanh, chưa sạch bệnh rồi bán khắp nơi với giá rẻ.
Còn trong sản xuất thương phẩm, người dân chỉ chú trọng làm sao năng suất phải thật cao, ví dụ như cam sành, quýt đường ở miền Nam năng suất phải đến 60 – 80 tấn/ha. Hậu quả là cam sành bán giá rất rẻ vì chưa đạt yêu cầu chất lượng. Để đạt năng suất cao phải sử dụng rất nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh nên sản phẩm không thực sự an toàn.
Ở Tây Nguyên, bà con trồng sầu riêng, bơ, tiêu có tập quán đào hố rồi trồng cây dưới đó trong khi lẽ ra phải lên luống trồng cây cao hơn mặt đất để không bị úng nước khi mưa lớn. Cây trồng dưới hố rất dễ bị bệnh xì mủ, thối rễ nhất là khi có mưa nhiều. Đó là nguyên nhân khiến tiêu ở Tây Nguyên hay ở Quảng Trị liên tục bị bệnh hoặc úng nước mà chết.
Bơ Hass, loại bơ chất lượng cao được trồng ở Di Linh – Lâm Đồng.
 
Việc bón phân hóa học quá nhiều để có năng suất cao dẫn đến đất đai ngày càng chua đi. Mãi gần đây, qua tuyên truyền, nông dân một số nơi bắt đầu có sự thay đổi bằng việc bón thêm phân hữu cơ và phân vi sinh tăng độ phì nhiêu của đất. Sử dụng phân vi sinh là một giải pháp có tính cấp thiết mà theo tôi cần truyền thông dày đặc và mạnh mẽ trong chỉ đạo để có sự thay đổi toàn diện về nhận thức trong canh tác.
Vấn đề thu hoạch, đóng gói, phải nói rất sơ sài. Ở miền Tây, trái cây thu hoạch xong là để nguyên hoặc cầu kỳ hơn tý cũng chỉ bỏ vào thùng carton đã qua sử dụng, chất lên cần xé chở đi. Bảo quản sơ sài nên tỷ lệ hư hỏng rất cao, đến khoảng 25%. Trong khi điều này có thể khắc phục dễ dàng nếu trái cây được đóng gói cẩn thận hạn chế vi khuẩn xâm hại.
Tóm lại từ cây giống, cách trồng đến sau thu hoạch đều phải thay đổi về mặt kỹ thuật để sản xuất bền vững.

“Trước đây, những năm 1990, 2000, Viện Cây ăn quả Miền Nam từng nỗ lực làm cây có múi sạch bệnh nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của Pháp và Đài Loan, nay không biết Viện còn nỗ lực để làm nữa hay không?” (PGS.TS Nguyễn Minh Châu)

b. Tổ chức sản xuất
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, nông dân họ rất yên tâm sản xuất. Họ chỉ sản xuất theo hướng dẫn của hợp tác xã, sản phẩm đã có hợp tác xã tiêu thụ; tiền thu được sẽ được gửi về tài khoản của họ sau khi hợp tác xã bán.
Thế nên, dù diện tích canh tác của nông dân các nước trên không phải lớn, chỉ tương đương nông dân ta nhưng cuộc sống của họ an nhàn hơn là nhờ tổ chức sản xuất tốt hơn.
Sản xuất nông nghiệp như ở Đài Loan hay Nhật Bản mà tôi chứng kiến thì nông dân rất khỏe, họ chỉ việc lo sản xuất, đầu ra sản phẩm đã có hợp tác xã. Nói để thấy nông dân mình còn khổ, hộ nhỏ lẻ vừa lo sản xuất vừa lo đầu ra là điều rất khó khăn.
Nói thêm một chút về hợp tác xã của họ, chẳng những lo tiêu thụ sản phẩm mà còn lo đầu vào từ giống đến vật tư hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Chẳng hạn hợp tác xã ở Đài Loan họ có luôn cửa hàng bán nhu yếu phẩm, có nhà hàng, nhà đóng gói (packing house), có chợ bán lẻ trái cây.
Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã toàn bộ hoặc một phần kinh phí xây dựng văn phòng làm việc, nhà đóng gói, nhà hàng, nghĩa là nông dân tham gia hợp tác xã được hỗ trợ rất nhiều từ nhà nước.
Bệnh ngay từ giống
Ông đánh giá gì về công tác giống cây ăn quả của ta, chẳng hạn cây có múi?
– Giống cây có múi đang là một vấn nạn, cây giống đem trồng rất có thể đã bị nhiễm bệnh rồi, chỉ một thời gian sau khi trồng thì bệnh mới lộ ra.
Sản xuất cây giống ở ta, gốc ghép rất lạc hậu so với thế giới, thí dụ, thế giới đang sử dụng gốc ghép là giống “cam 3 lá” (Trifolia) kháng bệnh xì mủ, thì Việt Nam còn sử dụng những giống nhiễm bệnh như bưởi chua ở miền Bắc hay cam mật ở miền Nam. Tương tự như vậy, gốc ghép trên các cây khác như bơ, xoài, cũng lạc hậu so với các nước.
Vấn đề đặt ra chúng ta có thể nhập gốc ghép sạch bệnh, muốn thế phải tháo gỡ nhiều khâu, từ công tác kiểm dịch đến bảo vệ bản quyền giống mới.
Còn như hiện nay, chỉ cần nhìn các điểm bán giống cây có múi, hỏi vài câu là có thể biết cây giống có sạch bệnh hay không rồi. Cây sạch bệnh thì gốc ghép phải được gieo trồng trong nhà lưới hai cửa, mắt ghép phải được lấy từ cây đầu dòng sạch bệnh và cũng phải được để trong nhà lưới hai cửa, cây thành phẩm cũng được để trong nhà lưới.
Đánh giá chung về sản xuất giống cây ăn trái ở Việt Nam hiện nay là: Chưa đạt, tương tự các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, thua xa cây giống sản xuất ở Mỹ, Úc hay Nam Phi. Ở các nước này họ chỉ sản xuất cây sạch bệnh, ở mình thì không cần sạch bệnh, chỉ cần giá rẻ.
Trái cây nhiệt đới Việt Nam rất được thế giới ưa chuộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Việc quản lý giống và dịch bệnh trên cây có múi phải nói rất khó khăn. Kinh nghiệm các nước họ làm thế nào?
– Kinh nghiệm Đài Loan, Trung Quốc ở gần mình, họ thấy rằng phải dùng cây sạch bệnh để trồng mới hạn chế được sự lây lan của bệnh vàng lá. Để làm được việc này, chính phủ hỗ trợ giá cho nhà vườn để họ có thể mua được cây giống sạch bệnh. Không có sự hỗ trợ của nhà nước thì nông dân sẽ mua cây giống rẻ tiền không bảo đảm sạch bệnh, sự lây lan bệnh không bao giờ dứt, như ở ta hiện nay. Nhờ có chiến lược như vậy, nên Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) hay Đài Loan mỗi năm sản xuất rất nhiều cây giống sạch bệnh để cho người dân trồng.
Việt Nam chưa có chính sách này, nông dân thường phải mua cây giống trôi nổi về trồng, rất may rủi, và bệnh vàng lá luôn có mặt và tiếp tục lây lan vì nguồn bệnh có sẵn trong cây giống mới trồng.
Vậy đâu là giải pháp cho chúng ta về cây có múi?
– Nhà nước bù giá cho các viện/trung tâm sản xuất cây giống có múi để họ có thể bán cây giống sạch bệnh cho nông dân với giá chấp nhận được, thay vì bán đúng giá.
Sau khi có cây sạch bệnh, cần hướng dẫn nông dân trồng thưa, nguy cơ tái nhiễm bệnh vàng lá sẽ thấp hơn. Tôi thấy một số nơi trồng cam Vinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh, trồng thưa, năng suất chỉ tầm 30 tấn/ha, là đạt, không như ở miền Nam trồng cam rất dày, mục tiêu là 60 – 80 tấn/ha nên không thể bền vững như trồng thưa.
Đến khi thu hoạch, cần hỗ trợ để hợp tác xã cây có múi có hệ thống đóng gói như ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc thì trái cam, bưởi mới giữ được lâu hơn (thậm chí giữ được cả năm), mẫu mã đẹp, tăng khả năng cạnh tranh.
Vấn đề Tây Nguyên
Tây Nguyên, vùng đất tốt hiếm hoi không riêng Việt Nam mà là thế giới. Tuy nhiên nông nghiệp Tây Nguyên dường như chưa thật sự phát triển bền vững, cụ thể dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng vẫn thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân được biết do thâm canh quá mức, trồng thuần loài tỷ lệ quá cao, đất đai suy kiệt, mực nước ngầm bị tụt xuống thấp. Theo ông tổ chức sản xuất nhất là mặt canh tác đối với nông nghiệp Tây Nguyên cần phải thay đổi thế nào?
– Về sản xuất cây ăn trái, nên xem xét để có sự thay đổi cho Tây Nguyên như sau:
Phải xây dựng ở đây vườn ươm sản xuất cây giống đạt yêu cầu sạch bệnh cho tiêu, bơ, sầu riêng, chanh dây (hiện toàn vùng chưa có vườn ươm nào sản xuất tiêu, sầu riêng, bơ và cây ăn trái nói chung sạch bệnh cả).
Thực tế bà con trồng tiêu, sầu riêng, mắc ca, bơ trong hố sâu dưới mặt đất là không đúng kỹ thuật, cây rất dễ bị bệnh thối rễ hay xì mủ. Người dân lập luận trồng vậy để đỡ tưới trong mùa nắng. Theo tôi, mùa mưa nếu trồng thấp hơn mặt đất có thể gây chết cây do đọng nước. Điển hình là cây tiêu chết rất nhiều do trồng sâu dưới hố. Sầu riêng, bơ cũng bị bệnh xì mủ, nếu chưa chết cũng phải dùng rất nhiều thuốc để cứu cây, tốn kém và không an toàn.
Còn cà phê, ở các nước như Ấn Độ, họ đều có rừng cây che bóng cao hơn cây cà phê, còn Tây Nguyên thì rất ít cây che bóng, trồng thuần, tiêu tốn rất nhiều nước. Gần đây các vườn cà phê trồng xen cây ăn trái được chú trọng đẩy mạnh và đó là việc buộc phải làm, cần đưa thành chiến lược.
Điều nữa, cũng như nhiều vùng khác, bà con Tây Nguyên trồng thâm canh chỉ mong năng suất cao, năng suất cà phê, tiêu hay chanh dây đều cao hơn nhiều so với thế giới.
Theo tôi kiểu canh tác này chưa đúng lắm, vì để có năng suất cao buộc phải sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Kết quả năng suất sản lượng cao nhưng giá bán không cao nên không hiệu quả về mặt kinh tế, còn môi trường bị ảnh hưởng nặng.
Trong khi nếu làm hữu cơ thì giá bán rất cao và dễ bán. May mắn là gần đây đã có một số mô hình tiêu, cam quýt ở Tây Nguyên đã được chứng nhận hữu cơ theo USDA (Mỹ). Cần làm sao để các mô hình như thế dần dần được mở rộng.
Cần có những mô hình trồng bơ, sầu riêng với diện tích lớn 50 – 70ha theo quy trình chuẩn, có nhà sơ chế, đóng gói bên cạnh như ở các nước. Lấy ví dụ trái bơ, nếu được thu hái đóng gói đúng quy cách bảo quản sẽ được rất lâu, trái bơ đi xa hơn, giá bán cao hơn, xứng đáng với vùng đất đai quá tốt nơi nó được sản xuất. Đáng tiếc cả vùng Tây Nguyên chưa có một nhà đóng gói trái bơ nào đạt chuẩn.
Đừng trồng cây trái… dày như rau
Đông Nam bộ và ĐBSCL, những vựa trái cây lớn của đất nước đang phải đối mặt những vấn đề gì, thưa ông?
– Đông Nam bộ hiện trồng nhiều chuối tiêu/già để xuất khẩu, nhưng tình hình bệnh Panama hiện tấn công chuối, tỷ lệ lây lan khá nhanh.
Để đối phó bệnh này, cần tập trung lực lượng và nhà nước cấp kinh phí để các viện/trường tạo ra giống chống chịu tốt với bệnh, có những phòng thí nghiệm nhân giống chống chịu bệnh để sớm cung cấp cây giống sạch bệnh cho doanh nghiệp, hộ nông dân.
Đông Nam bộ, cũng giống như Tây Nguyên, tập quán đào hố trồng sầu riêng, mít, tiêu… nên cây bị bệnh, chết nhiều; sầu riêng bị bệnh xì mủ chẳng khác gì ở Tây Nguyên.
Phân bón hóa học sử dụng quá nhiều dẫn đến chai đất, đất bị phèn dần cùng thời gian. Cách khắc phục chỉ còn cách bón bổ sung phân hữu cơ và phân vi sinh.
    
Cây chuối tiêu đang bị bệnh Panama ở Bình Dương.
 
Tại ĐBSCL, như trên tôi đã nói, trồng rất dày, chưa có mô hình sản xuất bền vững. Nhiều hộ trồng cam theo kiểu “mì ăn liền”, hay trồng xoài rất dày gọi là “xoài rau”. Tất cả đều là cách làm không bền vững, chỉ mong năng suất cao, ép cây cho trái quanh năm, khai thác kiệt quệ, không còn để tự nhiên như ngày xưa.
Cả vùng ĐBSCL cũng chưa có nhà đóng gói cho trái cây và rau, rau thu hoạch sáng tươi chiều đã héo. Phải có nhà đóng gói rau mới để được lâu, 7 ngày hoặc hơn, mới bán được thị trường xa hơn nơi sản xuất, thậm chí từ nước này sang nước khác.
Xin cảm ơn ông!
Hợp tác xã, mong được như xứ người
Hợp tác xã là một hướng đi dường như tất yếu trong điều kiện ruộng đất manh mún. Suy nghĩ của ông về vấn đề này thế nào?
Hợp tác xã, theo tôi là một mô hình sản xuất quá hay, giúp nông dân không phải lo đầu ra, sản phẩm đồng đều, số lượng lớn, được dán một thương hiệu, phù hợp yêu cầu hiện nay của thị trường.
Mong sao hợp tác xã ở ta sớm hoạt động như kiểu ở Đài Loan hay Nhật Bản để người nông dân nhẹ gánh hơn, muốn vậy, các tỉnh cần hỗ trợ cụ thể hơn, sát sườn hơn, nông dân yên tâm sản xuất với mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đó là cách làm mà theo tôi giúp nông dân với yêu cầu sản xuất hàng hóa trong thời đại ngày nay. Như tại Đồng Tháp, các mô hình hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, Cao Lãnh, đang mang lại niềm tin cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Năm 1996, đi Đài Loan về, tôi đã kể lại những gì tôi thấy ở Đài Loan, nông dân ở đấy thật sự an vui vì đã có hợp tác xã hỗ trợ. Rồi năm 2011 đi Nhật, 2012 đi Hàn Quốc, tôi cũng thấy hợp tác xã họ giúp nông dân họ rất hữu hiệu. Ở đó, người nông dân không phải lo đầu ra như nông dân mình.
Mong sao một ngày nào đó, nông dân Việt Nam cũng tham gia hợp tác xã như ở Đài Loan hay Nhật, và chính phủ cũng giúp nông dân mình như các nơi trên thì người nông dân vui khỏe và ấm no hơn cách làm hiện nay.
Trần Cao (Báo Nông nghiệp Việt Nam)