Tác động của chăn nuôi đến biến đổi khí hậu và môi trường

Chăn nuôi phát triển mạnh đồng nghĩa với nhiều sản phẩm chăn nuôi được tạo ra; cùng với đó là nhiều chất thải được thải ra môi trường, nếu không được quản lý và sử dụng hợp lý đây sẽ là nguồn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính có tác động lớn tới […]

Chăn nuôi phát triển mạnh đồng nghĩa với nhiều sản phẩm chăn nuôi được tạo ra; cùng với đó là nhiều chất thải được thải ra môi trường, nếu không được quản lý và sử dụng hợp lý đây sẽ là nguồn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính có tác động lớn tới biến đổi khí hậu, đồng thời chúng cũng là nguồn ô nhiễm môi trường nghiệm trọng, đe dọa đến chất lượng đất, nước mặt, nước ngầm và cả sức khỏe của con người.

Nguyên nhân

N2O và CO2 là hai khí nhà kính chủ yếu trong chăn nuôi heo, trong khi CH4 là khí nhà kính chủ yếu trong chăn nuôi bò và gia súc nhai lại. Trong các loại khí nhà kính, khí CH4 và khí N2O có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn rất nhiều so với khí CO2.  Việc tăng số lượng vật nuôi, tăng số trang trại chăn nuôi tập trung đã làm tăng khí thải nhà kính. Công nghệ chăn nuôi phát triển, số lượng vật nuôi được chăn nuôi tập trung tăng lên, phân thải ra từ chúng nhiều hơn lượng phân cần thiết cho trồng trọt, dẫn đến tích tụ Phốt pho, Ni tơ và các chất gây ô nhiễm khác trong đất, nước ngầm, sông hồ, biển. Ước tính, khí nhà kính do chăn nuôi chiếm khoảng 1/5 tổng số lượng khí nhà kính do toàn bộ chu kỳ sản xuất hàng hóa tạo ra.

Khí CO2 từ chăn nuôi chủ yếu từ sử dụng phân bón cho trồng cỏ và cây thức ăn, từ việc đốt nhiên liệu chạy các máy móc dùng cho chăn nuôi… Theo ước tính, để sản xuất 1 kg thịt bò cần tới 4,37 MJ hay 1,21 Kwh, còn để sản xuất 12 quả trứng cần hơn 6 MJ hay 1,66 Kwh. Khí CH4 từ chăn nuôi chủ yếu đến từ quá trình lên men thức ăn ở dạ cỏ và thoát ra từ phân gia súc. Chăn nuôi đã tạo ra hàng chục triệu tấn CH4/năm, đặc biệt là chăn nuôi công nghiệp với các khẩu phần thức ăn tiêu chuẩn thải ra phân có tiềm năng tạo khí CH4 cao hơn nhiều so với chăn nuôi thả rông.

Ở hầu hết các loại đất nông nghiệp, việc bón phân Ni tơ, chất thải gia súc có chứa Ni tơ đều gây ra bốc hơi khí N2O. Lượng N2O được dự báo sẽ còn tăng lên trong thời gian tới vì các đồng cỏ vẫn đang đươc mở rộng ở nhiều nơi trên thế giới do chăn nuôi phát triển và nhu cầu sử dụng đất sản xuất thức ăn tăng lên.

 

Giải pháp

Để giảm thiểu tác động của chăn nuôi đến biến đổi khí hậu và môi trường thì cải tiến năng suất vật nuôi là cách có hiệu quả nhất để tăng sản xuất thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thế giới mà không tăng sử dụng đất và khí thải nhà kính.

Các giải pháp về di truyền giống, dinh dưỡng, sinh sản, thú y giúp làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và làm giảm lượng khí nhà kính trên một đơn vị sản phẩm động vật. Tuy nhiên, hiệu quả thức ăn tốt nhất không phải luôn luôn đi kèm với năng suất cao nhất hay hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngoài ra, vì tiềm năng giữ các bon của đất là rất lớn, do đó, việc quản lý tốt đồng cỏ cũng là một giải pháp quan trọng nhằm giảm lượng CO2 thoát ra từ đất. Xử lý phân và chất thải chăn nuôi cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng, đây là một nguồn ô nhiễm lớn cho môi trường nên luôn phải được tính đến trong bất kỳ một giải pháp nào.

Chăn nuôi phát triển mạnh đồng nghĩa với nhiều sản phẩm chăn nuôi được tạo ra; cùng với đó là nhiều chất thải được thải ra môi trường, nếu không được quản lý và sử dụng hợp lý đây sẽ là nguồn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính có tác động lớn tới biến đổi khí hậu, đồng thời chúng cũng là nguồn ô nhiễm môi trường nghiệm trọng, đe dọa đến chất lượng đất, nước mặt, nước ngầm và cả sức khỏe của con người. Ngược lại, biến đổi khí hậu cũng tác động tới ngành chăn nuôi trực tiếp qua các hiện tượng thiên tai như mưa bão, lũ lụt… và tác động gián tiếp qua sự ảnh hưởng bất lợi tới con người, cây trồng, nguồn nước… từ đó có những tác động xấu tới sự tồn tại và phát triển của ngành chăn nuôi.

Nguyễn Hà