Kinh tế phát triển, nhu cầu về các sản phẩm thịt, sữa, cá ngày càng tăng cao. Một trong những nguồn cung cấp chủ yếu đến từ chăn nuôi đại gia súc thuộc nhóm động vật dạ cỏ và cá mặt nước. Nhóm động vật này có nhu cầu về cỏ và thức ăn thô […]
Kinh tế phát triển, nhu cầu về các sản phẩm thịt, sữa, cá ngày càng tăng cao. Một trong những nguồn cung cấp chủ yếu đến từ chăn nuôi đại gia súc thuộc nhóm động vật dạ cỏ và cá mặt nước. Nhóm động vật này có nhu cầu về cỏ và thức ăn thô xanh chiếm phần lớn khẩu phần ăn hàng ngày.
Bộ NN&PTNT đã định hướng bố trí diện tích cỏ, cây thức ăn xanh chăn nuôi xanh đến năm 2020 đạt khoảng 150.000 ha. Các giống cỏ và cây thức ăn xanh được trồng chủ yếu hiện nay gồm:
– Nhóm cỏ hòa thảo lâu năm nhân giống bằng hom: VA 06, cỏ voi, lông Para…
– Nhóm cỏ hòa thảo lâu năm nhân giống bằng hạt hoặc bằng khóm: Cỏ Mombasa guinea (cỏ sả), Tanzania guinea (TD 58), Mulato II, Ruzi, Paspalum…
– Nhóm cỏ họ đậu, lạc: cỏ Stylo, cỏ Alfalfa (ba lá), lạc dại…
– Nhóm cây thức ăn xanh hàng vụ, hàng năm: Ngô sinh khối, cao lương, kê…
– Nhóm cây thức ăn xanh hàng vụ, hàng năm chịu lạnh: Yến mạch, hắc mạch…
Mỗi loại cỏ, cây thức ăn xanh đều có những ưu, nhược điểm riêng. Quy luật chung là năng suất xanh càng cao thì chất lượng thức ăn càng giảm và ngược lại. Ngoài ra, mỗi giống cây khác nhau có sự tương thích đối với điều kiện đất đai, khí hậu, mùa vụ, phương thức sản xuất và nhu cầu thức ăn đa dạng khác nhau. Một số loại cỏ đặc điểm đặc biệt như chịu hạn (TD58), chịu ngập Paspalum, chịu úng (Lông Para), chịu lạnh (Yến Mạch)…
Ðồng cỏ chăn nuôi tập trung 3.000 ha tại Nghĩa Ðàn, Nghệ An năm 2019
Do đòi hỏi của hiện trạng kinh tế, cạnh tranh, giá nhân công cao, diện tích đất hạn chế… xu hướng chăn nuôi đang chuyển mạnh từ chăn nuôi chăn thả sang chăn nuôi tập trung vì vậy nhu cầu thiết lập, thâm canh, cơ giới hóa sản xuất cỏ và nguyên liệu thức ăn xanh ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Trong khuôn khổ tài liệu này, tác giả chỉ tập trung vào giới thiệu các mô hình và kỹ thuật trồng cỏ, cây thức ăn xanh phù hợp với xu hướng chăn nuôi hiện đại. Một đồng cỏ hiện đại được tính toán thiết kế tốt dựa vào nhu cầu thức ăn thô xanh, tình trạng đất đai, phương thức canh tác, khả năng kinh tế và kết quả thử nghiệm sự phù hợp các từng loại cây trồng chính. Một đồng cỏ được thiết kế tốt thường bao gồm nhiều loại cỏ cây thức ăn xanh khác nhau để đa dạng về dinh dưỡng, thay đổi khẩu phần, tăng độ ngon miệng gia súc. Thực tế, trên diện tích 3.000 ha đồng cỏ tập trung nuôi bò sữa tại Nghĩa Sơn, Nghĩa Ðàn, Nghệ An được bố trí gieo trồng 40% diện tích cỏ Mombasa Guinea, 10% diện tích cỏ Mulato II, 10% diện tích cỏ Ruzi (phù hợp chăn thả), 20 – 30% diện tích ngô, cao lương, còn lại là các loại cỏ họ đậu và cây trồng khác. Mô hình trồng cỏ phân tán, nhỏ lẻ nuôi cá vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà, Yên Bái… sau khi thử nghiệm nhiều loại cỏ, nông dân ở đây đang tập trung vào trồng cỏ Mombasa Guinea.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không thấy đề cập đến việc trồng cỏ voi, cỏ VA 06 như mô hình tại Phù Ðổng, Gia Lâm, Hà Nội. Các loại cỏ này rất dễ trồng, cho năng suất cao, thích nghi và chống chịu rất tốt với điều kiện ngoại cảnh. Thực tế những năm trước các giống này được gieo trồng rất phổ biến. Trong điều kiện thâm canh, chăn nuôi tập trung và thiết lập đồng cỏ nhanh, chi phí thấp, các giống này tỏ ra kém phù hợp. Cỏ voi, cỏ VA 06 do chỉ trồng được bằng hom vì vậy chi phí nhân công và giống gieo trồng rất cao, khả năng chịu dẫm đạp kém không phù hợp với canh tác cơ giới hóa và thâm canh. Tỷ lệ lá/thân thấp, thân cứng dẫn đến hàm lượng dinh dưỡng thấp và độ ngon miệng vật nuôi kém. Sự xuất hiện của các loại cây trồng bằng hạt với các ưu thế của chúng đang dần dần chiếm tỷ trọng cao trong các cơ cấu đồng cỏ tập trung. Tuy nhiên, với những ưu điểm vượt trội của chúng, các loại cỏ này vẫn được khuyến cáo trồng ở diện tích < 10% tổng diện tích đồng cỏ để duy trì khả năng sẵn sàng thức ăn cao trong các điều kiện bất thuận. Cỏ voi, VA 06 cũng đặc biệt phù hợp với các mô hình chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, diện tích trồng ít, đất trồng là đất tận dụng…