Từ năm 1989 đến năm 2019, tròn 30 năm hạt gạo Việt Nam có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Từ năm 1989 đến năm 2018, nước ta đã xuất khẩu 127,77 triệu tấn gạo, thu về gần 45 […]
Tin liên quan
Từ năm 1989 đến năm 2019, tròn 30 năm hạt gạo Việt Nam có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Từ năm 1989 đến năm 2018, nước ta đã xuất khẩu 127,77 triệu tấn gạo, thu về gần 45 tỷ USD. Nhưng 30 năm miệt mài xuất khẩu, đến nay gạo Việt Nam vẫn không thương hiệu.
Giá trị gia tăng thấp
Những năm 1980-1988, mỗi năm miền Bắc thiếu trên dưới 1 triệu tấn gạo, nhưng năm 1987, Bộ trưởng Bộ Lương thực La Lâm Gia có một đề xuất táo bạo: “xuất Nam, nhập Bắc”. Theo ông La Lâm Gia, do cơ chế lưu thông (chủ trương phân phối lương thực theo cơ chế bao cấp, dân gian gọi là “ngăn sông cấm chợ”) cũng như thiếu phương tiện vận chuyển nên nếu đưa lương thực từ miền Nam ra, giá sẽ cao hơn nhập khẩu gạo từ nước ngoài cập các cảng biển miền Bắc, trong khi miền Nam đang thừa gạo thì xuất khẩu lấy ngoại tệ. Tuy nhiên, đề xuất ấy không được Trung ương chấp thuận.
Vậy mà chưa đầy hai năm sau, trong vụ đông – xuân 1989, Việt Nam đã xuất khẩu tới 1,37 triệu tấn gạo, thu về hơn 310 triệu USD. Nguyên nhân chính là do có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (ngày 5/4/1988) và chính sách tự do lưu thông lương thực, khuyến khích sản xuất và xuất khẩu gạo của Chính phủ.
Hai doanh nghiệp quốc doanh xuất khẩu gạo đầu tiên của Việt Nam là Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty Lương thực An Giang. Như vậy là trong khi các doanh nghiệp ngành khác chưa có khái niệm về thương mại quốc tế thì ngành gạo đã bắt đầu hội nhập với nền kinh tế thế giới!
Từ năm 1989 đến năm 2019, tròn 30 năm hạt gạo Việt Nam có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Từ năm 1989 đến năm 2018, nước ta đã xuất khẩu 127,77 triệu tấn gạo, thu về 44,661 tỷ USD. Có năm như năm 2012, lượng gạo xuất khẩu đạt cao nhất với 7,72 triệu tấn, trị giá 3,45 tỷ USD.
Nhưng 30 năm miệt mài xuất khẩu, đến nay gạo Việt Nam vẫn không thương hiệu! Điểm yếu ấy không phải là do hạt gạo Việt Nam.
Thương hiệu dùng chung
Trước hết, phải nói đến chủ trương sản xuất lúa hướng đến số nhiều để bảo đảm an ninh lương thực. Đó là “hội chứng” lo ngại xuất phát từ việc nước ta từng thiếu đói kéo dài đến gần hết thập kỷ 1980. Sản xuất hướng đến sản lượng nên các nhà khoa học nông nghiệp tập trung lai tạo những giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo không cao, lượng gạo xuất khẩu cũng từ những giống lúa ấy, lại đóng bao 50kg hay bán theo hàng xá, phẩm cấp theo tỷ lệ tấm 5%, 10%, 15% hay 20%. Như vậy, chỉ có những thị trường không đòi hỏi cao về phẩm cấp mới nhập khẩu gạo Việt Nam với giá thấp.
Trong mấy chục năm chạy theo số lượng, các cơ quan hữu quan, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc không có định hướng xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thu mua lúa để làm gạo xuất khẩu chủ yếu là thương lái nên họ không thể phân ra từng loại lúa có phẩm cấp khác nhau để chọn loại gạo chất lượng cao nhất để xuất khẩu. Đó là chưa nói đến gạo Việt Nam chưa đảm bảo an toàn thực phẩm do dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Nhận thấy việc bán gạo chất lượng thấp, giá rẻ không còn là lợi thế, giá trị gia tăng không được bao nhiêu do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nhập khẩu, ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 492/QĐ-TTg). Theo đó, đến năm 2020, sản xuất gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 20%, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica (giống lúa xuất xứ từ Nhật Bản, hạt tròn, thơm, dẻo) chiếm khoảng 30%, gạo nếp 20%, các sản phẩm từ gạo khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng cấp thấp và trung bình chiếm khoảng 10%, gạo trắng phẩm cấp cao 15%, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 40%…
Đọc kỹ chiến lược xuất khẩu gạo, không thấy đề cập đến việc xây dựng thương hiệu gạo, cũng không có loại gạo mang tên riêng mà chỉ chung chung là “gạo thơm”, “gạo đặc sản”. Chuyện lạ nữa là ngày 18/12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam để dùng chung cho mọi loại gạo xuất khẩu mà không có điều kiện kèm theo là nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu gạo thì đính kèm tên thương hiệu riêng của loại gạo ấy, cách như Thái Lan đã rất thành công với thương hiệu gạo Jasmine (trong chủng loại gạo Hom Mali) kèm chữ “THAI”, Campuchia với thương hiệu gạo Phka Romdoul và gần đây là Malys Angkor.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam để dùng chung cho mọi loại gạo xuất khẩu mà không có điều kiện kèm theo là nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu gạo thì đính kèm tên thương hiệu riêng của loại gạo ấy.
Nhiều năm qua, một số doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Agricam, Công ty CP Xuất nhập khẩu Intemex, Công ty CP Nông nghiệp Trung An… đã chú trọng xây dựng thương hiệu gạo nhưng cũng khá “vất vả”. Chẳng hạn, các doanh nghiệp này thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới ở đồng bằng sông Cửu Long, theo đó, doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư để nông dân sản xuất theo “quy trình sạch” và bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, chỉ cần thương lái trả thêm vài trăm đồng/kg lúa là nông dân lại “bẻ kèo”, doanh nghiệp không đủ lượng gạo giao cho khách hàng như hợp đồng đã ký.
Vậy muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thì bằng cách nào? Đã có rất nhiều đề xuất về vấn đề này từ các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nhân. Xin tóm lược những đề xuất ấy:
Đầu tiên, Luật Đất đai (năm 2013) phải được sửa, trong đó được phép tích tụ ruộng đất để có những cánh đồng vài nghìn hecta trở lên, tức là tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn. Thứ hai là Nhà nước đầu tư trực tiếp vào những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo bằng cách cho vay trung dài hạn với số tiền đủ lớn, lãi suất ưu đãi. Thứ ba là chú ý đặc biệt đến giống, mà hiện nay là giống ST24 (xếp thứ hai trong ba loại gạo ngon nhất thế giới) và giống AGPPS 103 (top ba loại gạo ngon nhất thế giới). Hai loại gạo này và một số loại gạo đặc biệt khác phải được đặt tên sao cho “thuần Việt” kèm logo thương hiệu gạo quốc gia để xuất khẩu. Thứ tư là đóng gói gạo từ 1-5kg, bao bì thật đẹp và đầy đủ thông tin theo thông lệ quốc tế. Thứ năm là tăng cường quảng bá gạo có thương hiệu ra thế giới thông qua hội chợ, triển lãm, thông qua các thương vụ đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Phương Hà (Doanh nhân Sài Gòn)