Dù giá thấp không đủ chi phí giống, chăm sóc và thu hoạch, nhưng mong ước của người nông dân Bắc Kạn lúc này chỉ là tiêu thụ được sản phẩm dong riềng và quýt mình làm ra, hạn chế việc hư hỏng, mất trắng… Củ dong giềng giá 600 đồng mà không có người […]
Dù giá thấp không đủ chi phí giống, chăm sóc và thu hoạch, nhưng mong ước của người nông dân Bắc Kạn lúc này chỉ là tiêu thụ được sản phẩm dong riềng và quýt mình làm ra, hạn chế việc hư hỏng, mất trắng…
Củ dong giềng giá 600 đồng mà không có người mua
Thôn Khuổi Luông, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể có 31/35 hộ trồng dong riềng. Theo Trưởng thôn Bàn Văn Dất, hiện nay vẫn còn khoảng gần 800 tấn củ nằm dưới đất vì nhiều hộ dân bỏ không thu hoạch. Với lý do giá củ dong chỉ 1000đ/kg bốc lên thùng xe mà vẫn không có người mua. Trong đó có nhiều người còn xác định bỏ thối luôn.
Như ông Lý Văn Phấy là một ví dụ cụ thể, gia đình có khoảng 1ha, nhưng chỉ có 2 vợ chồng già không có sức khỏe, các con đi làm xa. Bây giờ mà thuê công thu hoạch, vận chuyển lên đường để bốc lên xe thì chi phí cũng mất 1200đ/kg, vì vậy nếu thu thì lỗ nên đành bỏ.
Dong riềng chất đống chất đống chờ người mua ở xã Xuân La, huyện Pác Nặm
Huyện Ba Bể chỉ có duy nhất xã Mỹ Phương là người nông dân trồng dong riềng thắng lợi vì được DN Miến dong Nhất Thiện ký bao tiêu từ đầu vụ với giá lên đến 1500đ/kg. Nhất Thiện đã hoàn thành việc thu mua theo đúng cam kết với người dân. Các xã khác của huyện Ba Bể dù cũng được UBND huyện chỉ định cho HTX Sang Hà ký bao tiêu sản phẩm với người dân là 1400đ/kg. Nhưng, do đơn vị này chưa có nhà xưởng và máy móc sản xuất nên không thể thu mua.
Sang Hà cam kết như vậy nhưng lại chỉ thu mua để bán buôn về xuôi có 1000đ/kg, nhưng với số lượng cũng rất nhỏ. Vì vậy vẫn còn hàng chục ngàn tấn đang có nguy cơ bị thối, hỏng do không có người mua.
Chỉ có duy nhất xã Mỹ Phương được cơ sở Miến dong Nhất Thiện mua đúng theo cam kết từ đầu vụ là 1500đ/kg
Còn tại huyện Pác Nặm, giá cả còn thấp hơn nữa. Theo như lãnh đạo xã Xuân La thông tin giá củ dong riềng trên địa bàn hiện chỉ là 600đ/kg. Nên nhà nào có nhân lực thì cố gắng khai thác bán, còn nhà nào có ít người thì gần như bỏ kệ ngoài đồng.
Cam quýt “xếp hàng” chờ đầu ra
Một sản phẩm chủ lực khác của tỉnh Bắc Kạn là quả quýt Quang Thuận cũng rơi vào cảnh giá rẻ nhưng vẫn ít người mua. Loại quả tập trung chủ lực tại các xã Quang Thuận, Dương Phong của huyện Bạch Thông, và một vài xã giáp danh của huyện Chợ Mới và TP. Bắc Kạn. Những năm trước là thương lái vào đặt mua tại vườn cho bà con. Hiện tại thì thu hoạch sẵn, sắp xếp cẩn thận mang ra các điểm tập trung để bán mà vẫn không có người mua.
Loại quýt to đẹp nhất, giá cũng chỉ khoảng 10.000đ/kg.
Chị Lý Thị Thu, ở thôn Phiêng An, xã Quang Thuận cho biết, giờ là cuối vụ rồi nhưng nhà chị mới chỉ bán được hơn 1 tấn quýt. Giá thì cứ giảm dần mà cũng ít người mua. Theo giá bán buôn thì loại thấp nhất chỉ bán được 4000đ, đẹp nhất của nhà chị cũng chỉ được 7000đ, còn bán đổ đồng cũng được khoảng 5000đ.
Theo khảo sát của Báo NNVN, giá quýt Quang Thuận bán buôn hiện rất thấp. Loại đẹp nhất cũng chỉ khoảng 10-12.000đ/kg, còn loại thấp nhất chỉ khoảng 4-5.000. Sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái đến từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng,… về thu gom. Tuy nhiên ngày nhiều cũng chỉ được khoảng 30 xe tải loại nhỏ 1 – 2 tấn, tương đương khoảng hơn 40 tấn. Còn ngày ít thì chỉ được hơn 10 xe, tức chưa tới 15 tấn quả.
Quýt Bắc Kạn vắng bóng người mua.
Theo như đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá củ dong riềng phải đạt ít nhất từ 1.200đ/kg. Còn giá quýt Quang Thuận thì phải đạt từ 7.000đ/kg thì người trồng mới đủ chi phí giống, chăm sóc, thuốc trừ sâu và tiền công thu hoạch. Nhưng đó là khi có bán được hàng, còn như hiện tại người mua ít, hoặc thậm chí không có thì việc sản phẩm bị hư hỏng, thối,… là rất nhiều.
Vì vậy mong ước của người nông dân trồng dong riềng, trồng quýt là tiêu thụ được sản phẩm mình làm ra, hạn chế việc hư hỏng, mất trắng.