Đó là khuyến cáo của bà Wendy Matthews – Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu thanh long. Theo bà, các khâu thuộc chuỗi giá trị sản phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo, trong đó bản quyền giống là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu […]
Tin liên quan
Đó là khuyến cáo của bà Wendy Matthews – Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu thanh long. Theo bà, các khâu thuộc chuỗi giá trị sản phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo, trong đó bản quyền giống là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu dài trong kinh doanh trái cây.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng
Đã hơn 10 năm Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), nhưng đến nay, vấn đề bảo hộ bản quyền giống cây trồng vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều giống quý của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “đánh cắp”.
Phải bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn. N.V
“Để xuất khẩu tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị. Khi đảm bảo tốt được các khâu trong chuỗi, nông dân sẽ có nhiều lựa chọn cho việc “nhắm” thị trường nào muốn xuất khẩu, cũng như đạt mức lợi nhuận tốt nhất từ thị trường đó. Điều này cần sự hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ và các thành phần tham gia trong chuỗi”. Bà Wendy Matthews
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sau hơn 10 năm là thành viên của UPOV, Việt Nam mới chỉ có vài trăm giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ, so với chủng loại vô cùng phong phú, phân bố ở các địa phương thì chỉ như… “muối bỏ biển”. Mặc dù công tác bảo hộ giống cây trồng đã có chuyển biến, một số giống đã được đăng ký bản quyền sau khi Việt Nam tham gia UPOV, nhưng so với yêu cầu đề ra thì còn kém xa.
Đáng chú ý, nếu vấn đề bảo hộ ở nước ngoài được thực hiện tương đối đơn giản thì tại Việt Nam lại vô cùng phức tạp, nông dân thích gì trồng nấy, việc xâm phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến và dễ dàng. Chính điều này đã khiến nhiều giống cây trồng quý của Việt Nam bị đánh cắp không thương tiếc. Đơn cử như giống thanh long, từ chỗ chỉ có thanh long ruột trắng, chúng ta nghiên cứu, lai tạo, nhập khẩu để phát triển thêm thanh long ruột đỏ. Nhưng chỉ vì không chú trọng đúng mức đến việc đăng ký bản quyền, Đài Loan đã lấy một số gen trong giống thanh long của Việt Nam, lai tạo để cho ra một giống thanh long mới ưu việt hơn.
Đánh giá thanh long là một sản phẩm cao cấp, bà Wendy Matthews cho rằng, ngành này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đó là lý do New Zealand chọn thanh long làm trái cây đầu tiên để thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp từ 6 năm trước. Dự án nhằm phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc tạo ra, sản xuất và thương mại hóa giống thanh long cao cấp, với khoản viện trợ không hoàn lại 8,1 triệu đô la New Zealand.
Bà Wendy Matthews khẳng định, chỉ khi nào bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn. Phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công. “Tuy nhiên, để thành công, các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả” – bà Wendy Matthews nói.
Kinh nghiệm từ New Zealand
New Zealand vốn là đất nước nổi tiếng về khâu bản quyền giống. Trước đây, giống kiwi Hayward vốn được phát triển ở New Zealand nhưng nông dân đã trồng thương phẩm giống này trước khi thực hiện các biện pháp bảo vệ giống. Khi giống này được nhân lên và tham gia thương mại tự do trên toàn cầu thì quay trở lại cạnh tranh với chính kiwi của New Zealand. Bên tạo giống ban đầu đã không nhận lại được bất kỳ lợi nhuận nào từ sự phát triển và cạnh tranh này.
Bà Wendy Matthews dẫn chứng, năm 2018, lợi nhuận cho nông dân trên mỗi khay kiwi ZESPRI™Gold – giống của Viện nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng New Zealand đã cao hơn kiwi Hayward khoảng 27%. Còn lợi nhuận theo diện tích cho nông dân trồng kiwi ZESPRI™ Gold cao hơn kiwi Hayward đến 90%. Tương tự, tại những thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Á, giá bán táo Envy™ có thể cao hơn các giống táo thông thường đến 80 – 90%.
Trở lại với dự án đang triển khai tại Việt Nam, hiện đã có một số giống được lựa chọn cho giai đoạn cuối, đang thử nghiệm trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch. Các giống cao cấp này sẽ được bảo hộ bằng Quyền giống cây (Plant Variety Rights – PVR) và thương mại hóa tại Việt Nam và thế giới theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát.
“Chúng tôi đã phát triển ra 20 loại giống thanh long khác nhau. Hy vọng đến 2021 sẽ giới thiệu được các loại thanh long mới này ra thị trường ở Việt Nam cũng như thế giới” – bà Wendy chia sẻ.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)