Ngày 10/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân […]
Ngày 10/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát đồng chủ trì Hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết 26 NQ/TW – Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, chủ trương “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013.
Để đánh giá sâu sắc hơn quá trình triển khai thực hiện, kết quả và hạn chế, vướng mắc của quá trình cơ cấu lại thời gian qua; rút ra bài học cho việc tổ chức thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 thành công hơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành sơ kết thực hiện Đề án Tái cơ cấu các tiểu ngành, lĩnh vực, hướng dẫn các địa phương sơ kết tình hình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn.
Giai đoạn 2013-2017, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về biến đổi khí hậu gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai nặng nề trên khắp mọi miền đất nước; những biến động bất lợi của thị trường tiêu thụ nông sản, tác động của hội nhập quốc tế và sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng, trung bình đạt 2,55%/năm, thấp hơn mức mục tiêu đề ra là tối thiểu 3%/năm; chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đã tăng từ 63,9% năm 2012 lên gần 80% của 9 tháng đầu năm 2018. Sở dĩ tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu là do trong hai năm 2016 và 2017 thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp nên tăng trưởng đạt thấp (2016: 1,36%, 2017: 2,9%). 9 tháng đầu năm 2018, kết quả tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp đã đạt 3,65%, dự kiến cả năm sẽ đạt 3,3 – 3,4%, vượt mục tiêu đề ra.
Kết quả thực hiện cơ cấu lại trong các lĩnh vực, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng làm mục tiêu phấn đấu; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản đã tăng từ 22,48% năm 2012 lên 24,95% năm 2017; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 2,69% năm 2012 lên 3,79% năm 2017. Tỷ trọng giá trị gia tăng thủy sản tăng từ 18,8% lên 20,5%, lâm nghiệp tăng từ 3,8 lên 4,5%.
Các nông sản lớn, chủ lực vẫn tiếp tục khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế nên sản lượng tiếp tục tăng với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ kết quả này: tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản; giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đưa ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới như: Cần xác định mục tiêu chung là xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, hiện đại, cạnh tranh quốc tế. Nâng cao chất lượng sản xuất có năng suất, có hiệu quả, có khối lượng lớn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững ngành nông nghiệp gắn với kinh tế nông thôn. Cải thiện nhanh hơn đời sống của người nông dân góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái; Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục rà soát lại tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu phải gắn với lợi thế từng vùng, từng địa phương tạo ra khối lượng sản phẩm lớn hay nhỏ đều dựa vào năng suất; Gắn với thị trường, thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới, lấy thị trường thế giới là mục tiêu để cạnh tranh, để phát triển, coi trọng thị trường trong nước và gắn với biến đổi khí hậu. Từ đó, lựa chọn những sản phẩm phù hợp để phát triển; Trên cơ sở tái cơ cấu, đề nghị Bộ Nông nghiệp chủ trì với các Bộ ngành liên quan phối hợp cùng các địa phương tổ chức lập quy hoạch phát triển hạ tầng nông nghiệp. Xác định kế hoạch, xác định lộ trình đầu tư và xác định nguồn lực đầu tư hạ tầng cũng như phát triển các nguồn sản phẩm… Tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn phải tiếp tục lâu dài, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa để ngành nông nghiệp thực sự phát triển, tạo ra sự tăng trưởng cao hơn nữa để góp phần phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống người dân./