Sa Pa: Nuôi cá tầm khổng lồ kiếm chục tỷ/năm

Nhờ cơ duyên, trong một lần trúng thầu xây dựng ở Viện Nghiên cứu thủy sản 1 Sa Pa, ông Thắng mon men dò và kiên trì hỏi kỹ thuật nuôi cá. Sau đó, ông về bàn với vợ liều vay mượn cả chục tỷ đồng để đầu tư hồ nuôi cá. Đến giờ, ông […]

Nhờ cơ duyên, trong một lần trúng thầu xây dựng ở Viện Nghiên cứu thủy sản 1 Sa Pa, ông Thắng mon men dò và kiên trì hỏi kỹ thuật nuôi cá. Sau đó, ông về bàn với vợ liều vay mượn cả chục tỷ đồng để đầu tư hồ nuôi cá. Đến giờ, ông đã là chủ trang trại cá nước lạnh siêu “khổng lồ” ở Sa Pa với doanh thu cả chục tỷ đồng/năm.

Vốn làm chủ thầu xây dựng, chưa từng liên quan gì tới cá mú hay nông nghiệp. Những năm 2000, Phần Lan cùng Viện Nghiên cứu thủy sản 1 lên Sa Pa khảo sát và xây dựng một trung tâm ươm giống cá nước lạnh. Ông Đỗ Tiến Thắng – Chủ tịch Hội Cá nước lạnh Sa Pa khi đó đã trúng thầu xây dựng các hạng mục của trung tâm này. Thấy cái nghề cũng hay hay, là lạ, ông mon men dò và kiên trì hỏi kỹ thuật về bàn với vợ liều vay mượn cả chục tỷ đồng để đầu tư nuôi. Đến giờ, ông chủ thầu xây dựng năm nào đã là chủ trang trại cá nước lạnh siêu “khổng lồ” ở Sa Pa với doanh thu cả chục tỷ đồng/năm.

Ông Thắng khoe con cá tầm khổng lồ nặng hàng chục kg được nuôi tại trang trại của gia đình.

Được sự hướng dẫn của các chuyên gia, từ năm 2005, ông Thắng bắt đầu vào nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Bản Khoang, diện tích ban đầu vỏn vẹn 300m2. Ông vừa làm vừa tự mày mò học hỏi, chỉ hơn 1 năm sau, lứa cá đầu tiên của trang trại được xuất xưởng, niềm vui khôn tả. Tới năm 2007, ông quyết định thuê thêm đất, mở rộng quy mô trang trại lên 5.000m2 thành trang trại nuôi cá nước lạnh “khổng lồ” cho tới bây giờ.

“Khi đó, cá tầm giống chủ yếu được nhập ở Nga, cá hồi thì ở Phần Lan. Nay thị trường phát triển, cá được nhập ở nhiều nước như Đức, Phần Lan, Chile, Mỹ… Nhìn lại 13 năm, tôi vẫn không nghĩ mình có thể có duyên nợ với nghề này lâu bền đến như vậy. Giờ thì ăn cá, ngủ cá, làm gì trong đầu cũng nghĩ tới cá”, ông Thắng chia sẻ.

Nhờ làm ăn hiệu quả, ông Thắng không ngừng đầu tư vào hệ thống trang trại, máy móc hiện đại phục vụ chăn nuôi. Số tiền ông “đổ” vào cá nước lạnh đến nay đã vượt quá con số 10 tỷ đồng.

 
Sản phẩm cá của ông Thắng được các lái buôn đến tận nhà thu mua và đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Dẫn tôi đi tham quan một vòng, ông Thắng tự hào bảo: “Có lẽ đây là trang trại quy mô, hiện đại nhất, “khổng lồ” của tỉnh Lào Cai cũng như phía Bắc. Toàn bộ nguồn nước dẫn từ suối Bản Khoang vào ao đều được lọc, thậm chí có hệ thống tự điều tiết nước. Khi nước đục hay mưa lũ, hệ thống mương dẫn sẽ bị đóng, hàng chục bình sục ô xy ngay lập tức hoạt động. Chính vì vậy, trải qua nhiều trận mưa lũ, trang trại này vẫn trụ vững”.

Trung bình một năm, trang trại sẽ thả khoảng 7 vạn cá giống. Sau thời gian nuôi chừng 1 năm, cá cho thu hoạch. Từng lứa quay vòng liên tục, mỗi năm trang trại xuất ra thị trường khoảng 60 tấn cá.Theo ông Thắng, giá cả từ đầu năm tới nay khá ổn định, cá tầm từ 160 – 180 nghìn đồng/kg, cá hồi khoảng 200 – 220 nghìn đồng/kg. Mỗi năm doanh thu từ việc nuôi cá nước lạnh khoảng trên 10 tỷ đồng.

Với ý tưởng xây dựng mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, hiện ông Thắng có trong tay 2 nhà hàng lớn tại thị trấn Sa Pa và thành phố Lào Cai. Nói về nghề của mình, ông Thắng cho rằng: “Chúng tôi không tự cao, nhưng phải nói rằng là luôn tự hào vì làm thật, kiếm tiền thật. Làm nông nghiệp, đặc biệt là nghề nuôi cá, phải có giọt mồ hôi rơi xuống mới có được thành quả như ngày hôm nay. Chất lượng cá ở Sa Pa ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong vấn đề VSATTP. Người nuôi luôn ủng hộ ngành nông nghiệp tăng cường thanh, kiểm tra. Muốn có sản phẩm sạch đưa ra thị trường, chính người chăn nuôi phải thay đổi tư duy, có cái tâm trước khi đòi hỏi người tiêu dùng thông thái”.