Trang trại nông nghiệp 4.0 của chàng kỹ sư cơ điện

QĐT – Đang làm kỹ sư cơ điện cho một công ty điện máy của Hàn Quốc với mức lương trên 15 triệu đồng một tháng, anh Nguyễn Việt Lâm, tổ dân phố Làng Cả, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) về quê khởi nghiệp bằng nghề nông. Lâm lựa chọn trồng rau, quả bằng […]

QĐT – Đang làm kỹ sư cơ điện cho một công ty điện máy của Hàn Quốc với mức lương trên 15 triệu đồng một tháng, anh Nguyễn Việt Lâm, tổ dân phố Làng Cả, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) về quê khởi nghiệp bằng nghề nông. Lâm lựa chọn trồng rau, quả bằng phương pháp thủy canh nhà kính ở thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật.

 Qua 2 năm vất vả với đam mê nông nghiệp công nghệ cao, Lâm đã có những thành công bước đầu. Sản phẩm rau sạch mang thương hiệu của Công ty TNHH MTV Sơn Dương GREENFAR đã có mặt ở chuỗi cửa hàng sản phẩm nông nghiệp sạch trong tỉnh và ở Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Bỏ nghề kỹ sư cơ điện để làm nông dân

Cách đây gần 2 năm, khi chàng trai Nguyễn Việt Lâm bỏ công việc kỹ sư điện tử cho công ty nước ngoài với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng, mức lương mà nhiều bạn trẻ ở tuổi ngoài đôi mươi như Lâm mơ ước để về khởi nghiệp bằng trồng rau, nhiều người cho rằng Lâm dại, bởi ngoài công việc bỏ dở thì Lâm còn là “con trai cưng” của gia đình doanh nhân Nguyễn Văn Sáu, một người có nhiều năm làm nghề khai khoáng, có dư của ăn của để. Khi là sinh viên, Việt Lâm luôn đứng trong tốp 15 người có thành tích học tập tốt nhất khoa Cơ điện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, được tập đoàn Nistan của Nhật liên kết với trường đào tạo chuyên sâu, cơ hội sang Nhật tu nghiệp và làm việc trong tầm tay, nhưng Lâm lại chọn niềm đam mê.

Lâm bảo: “Lúc trước em đi học kỹ sư cơ điện, ai cũng nghĩ sau này sẽ về làm cho gia đình nhưng em muốn tự lập. Làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài để học cách thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức. Bốn năm làm cho 2 doanh nghiệp nước ngoài, em học được khá nhiều, nhất là việc sử dụng ngoại ngữ để phục vụ cho việc dịch sách khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp”. Tôi hỏi sao lại là sách khoa học kỹ thuật về nông nghiệp? Lâm cười: “Thú thật làm kinh tế trang trại là đam mê từ lúc còn là học sinh của em. Em luôn ấp ủ dự định làm kinh tế trang trại, nhưng là làm nông nghiệp hiện đại nên đã kiên trì 2 năm dịch tất cả các loại sách, tài liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp, phương pháp trồng rau, quả bằng thủy canh của người Nhật. Khi kiến thức đã hòm hòm mới quyết định về quê lập nghiệp”.


Anh Nguyễn Việt Lâm giới thiệu rau cải canh trồng thủy canh.

Việc Lâm quyết định trồng rau thủy canh được ông Sáu, bố Lâm ủng hộ, còn mẹ Lâm thì ngăn cản. Lâm chia sẻ: “Mẹ thương em vất vả, lại sợ em không thành công nên ngăn cản không muốn cho em làm. Nhưng vì đam mê, quyết tâm nên bố em dốc sức giúp về mọi mặt. Bố bảo, đàn ông phải có chí tiến thủ, được bố động viên, em lại càng quyết tâm gây dựng sự nghiệp. Nhưng khi làm rồi mới thấy, đúng là không đơn giản. Lý thuyết và thực tế khác nhau khá nhiều. Mọi người mà nhìn thấy em năm ngoái thì chán luôn.

Cả khu đất này trên 20 ha chủ yếu đất vườn đồi, cách xa khu dân cư, em ở lán bạt gần như cả ngày đêm. Khi có mặt bằng lại thiết kế nhà kính, xử lý nước, đất, hệ thống máng trồng, đến nỗi, bạn đến thăm em còn không nhận ra vì trông giống “thổ phỉ”, đen nhẻm. Sau 2 năm vất vả mới hình thành được cơ bản khu sản xuất này”. Trang trại nông nghiệp 4.0 của Lâm được quy hoạch bài bản, tự động hóa từ quạt mát, phun sương tưới ẩm, đến hệ thống đường ống dẫn nước lập trình sẵn, tự cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước. Hiện tại đã có một khu nhà kính rộng hơn 1.000 m2, khu đóng gói, khu hầm chứa vi chất dinh dưỡng và còn 2 khu đất trống được san ủi khá công phu để chuẩn bị xây dựng tiếp nhà kính.

Thành công bước đầu

Lâm đang cung cấp cho thị trường chủ yếu các loại rau ăn lá phổ biến như: Rau cải canh, cải ngồng, cải ngọt và đang trồng thử nghiệm các giống rau mới chất lượng cao của Nhật Bản như cải đuôi phụng, dưa chuột bi. Lâm cho biết, hiện tại, rau đã vào được chuỗi cửa hàng rau sạch ở Hà Nội, Vĩnh Phúc và một ít ở thành phố Tuyên Quang. Giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg đối với các loại rau cải, so với giá rau trồng thủ công thông thường thì chênh lệch khoảng từ 7 – 8 nghìn đồng. Lâm bảo, đã có lãnh đạo siêu thị đến tham quan và có nhã ý hợp tác, nhưng vì cơ sở còn nhỏ, chưa đáp ứng được số lượng quá lớn cho cả hệ thống. Còn đối với siêu thị nhỏ, lẻ mức tiêu thụ ít thì lại không đủ công vận chuyển nên cơ sở mới đang cung ứng ở chuỗi cửa hàng. Hơn nữa, Lâm muốn sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất để giảm giá bán hướng tới tất cả các đối tượng tiêu dùng.

Lâm kể, đầu năm 2018 trồng lứa rau đầu tiên thử nghiệm, thành công vui không ngủ được, mang rau biếu mọi người ăn đánh giá chất lượng. Lứa thứ hai bắt đầu đem bán và giới thiệu sản phẩm cho các cửa hàng rau sạch. Sau khi có chứng nhận an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cấp, Lâm đã bắt tay vào làm tem truy xuất nguồn gốc để cam kết chất lượng, xây dựng thương hiệu cho Công ty TNHH MTV Sơn Dương GREENFAR. Rau do Lâm cung cấp không cắt rễ, mà được bọc lại bằng màng ni lon. Thấy tôi thắc mắc, Lâm giải thích: “Để lại bộ rễ rau tươi lâu hơn, không mất vi chất dinh dưỡng, đồng thời cũng để bảo vệ thương hiệu. Chính vì hai chữ thương hiệu này mà em vừa là nông dân, vừa là nhân viên giao hàng, vừa là ông chủ đấy. Em muốn tự mình làm để nghe phản hồi từ người tiêu dùng”. Lấy một gốc rau Mizuna hay còn gọi là cải đuôi phụng, một loại rau ăn gỏi của người Nhật cho chúng tôi thử ngay tại vườn, Lâm giới thiệu: “Loại rau này mới trồng thử nghiệm một ít, khả năng phát triển khá tốt, tới đây sẽ liên kết với một số nhà hàng chuyên món ăn Nhật để cung ứng và sẽ tìm hướng xuất khẩu sang Nhật loại rau này. Bởi trồng phương pháp thủy canh đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người Nhật”.

Chỉ tay vào hai dãy dưa lưới Nhật lúc lắc quả, Lâm dẫn chứng, gốc dưa chỉ có chút xơ dừa, nhưng 2 yếu tố quyết định sự sinh trưởng cây trồng là dinh dưỡng và nước. Nguồn nước phải sạch, không nhiễm hóa chất, tạp chất. Đó chính là lý do Lâm chọn mảnh đất thôn Gốc Quéo này. Trước đây, mọi người biết nguồn nước lần chảy xuống từ hai bên núi sạch, các hộ dân đã sử dụng sinh hoạt nhiều năm. Khi quyết định đầu tư, gia đình đã mua hết diện tích đất đồi khu vực này để bảo vệ nguồn nước khỏi những tác động của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… Công thức chất dinh dưỡng tự bỏ công học hỏi trên công thức chung và qua nhiều lần thử nghiệm, ứng dụng thực tiễn sản xuất em đã rút ra được công thức riêng phù hợp với cây trồng ở đây. Dinh dưỡng thủy canh chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm đầy đủ và cân đối các nguyên tố đa lượng N, P, K, trung lượng Ca, Na, Mg, S và vi lượng Fe, Cu, Zn, Mn, B, Mo, Cl giúp tối ưu hóa cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Và những dự định

Khoát tay về phía trước, Lâm khẳng định, độ một tháng nữa chỗ này sẽ làm thêm hai nhà kính nữa để trồng chuyên canh rau cải đuôi phụng và dưa lưới Nhật. Hai loại này thị trường khan hiếm nên dễ tiêu thụ, giá bán khá cao, lâu dài có thể xuất khẩu. Dưa lưới Nhật hiện tại có giá từ 60 – 80 nghìn đồng/kg, nhưng các nhà vườn không đủ cung cấp vì kỹ thuật trồng loại quả này khó, chi phí lớn. Dự kiến chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng vì các loại máng trồng bằng nhựa PE, hệ thống ống dẫn nước đều do Lâm thiết kế nên không mất công thuê bên ngoài. Theo quy hoạch của Lâm thì 16 ha phía trên sẽ duy trì trồng rừng sản xuất; 3 ha dành cho chăn nuôi, 1 ha dành cho nông nghiệp thủy canh.

Ông Nguyễn Văn Sáu, bố Lâm tiếp lời, đầu tư cho sản xuất xong, tới đây gia đình sẽ lắp đặt hệ thống camera kết nối với điện thoại thông minh để tiện theo dõi sản xuất và người tiêu dùng quan tâm có thể trích xuất xem quy trình sản xuất. Ông Sáu bảo, thành công của Lâm không chỉ có sự giúp sức của gia đình mà còn có sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền từ xã đến tỉnh. Ngoài sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách còn động viên khích lệ về tinh thần. Đó cũng là yếu tố để gia đình và Lâm quyết tâm làm thành công.

Khi chúng tôi ra về cũng là lúc Lâm chở rau cung ứng cho chuỗi cửa hàng ở Hà Nội. Chàng trai 26 tuổi, không ngại chân lấm, tay bùn, đam mê nghề nông đã khởi nghiệp thành công với phương pháp trồng rau, quả thủy canh, hướng đi mới của nông nghiệp 4.0.