Thời gian qua, giá hạt một số loại sầu riêng tại Lâm Đồng bỗng tăng cao đột biến, gấp hai ba lần giá nguyên trái. Nhiều người mua sầu riêng về ăn sau đó lấy hạt bán vẫn hòa vốn, thậm chí còn có lời nếu trúng trái hạt to. Đây là điều chưa từng […]
Thời gian qua, giá hạt một số loại sầu riêng tại Lâm Đồng bỗng tăng cao đột biến, gấp hai ba lần giá nguyên trái. Nhiều người mua sầu riêng về ăn sau đó lấy hạt bán vẫn hòa vốn, thậm chí còn có lời nếu trúng trái hạt to. Đây là điều chưa từng xảy ra tại địa phương nên đang có nhiều đồn đoán về “thuyết âm mưu phá hoại kinh tế”. PV Báo CAND vào cuộc tìm hiểu và phát hiện một thực tế…
Chiếc xe du lịch chở đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt tham quan ghé vào một điểm dừng chân ở thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) để nghỉ ngơi ít phút sau hành trình dài. Chị chủ quán ngoài 40 tuổi, tên Hương, đon đả ra chào khách, giới thiệu về sản phẩm sầu riêng của quán chị, loại đắt nhất chỉ 30.000đ/kg và mời khách “mua ủng hộ”.
Theo chị chủ quán, nếu du khách mua và ăn tại chỗ, bỏ hạt lại cho quán thì sầu riêng sẽ được khuyến mãi, giá xuống còn 20.000đ/kg.
Vừa nói, chủ quán nhanh nhẹn tách ngay một trái sầu riêng ra lấy múi mời khách ăn thử. Một số người được nếm gật đầu khen ngon. Được khuyến mãi và mời nhiệt tình, chỉ trong ít phút, đoàn du khách đã mua và thưởng thức tại chỗ khoảng 15kg sầu riêng với giá hơn 300.000đ. Khách lên xe, chủ quán lại thu gom vỏ, nhặt hạt cân được gần 4kg với nét mặt không giấu giếm sự vui mừng.
Theo chủ quán, số hạt sầu riêng này cuối ngày sẽ có người tới thu gom và “trả tiền tươi”. Từ đầu mùa sầu riêng đến nay, điểm bán sầu riêng này trung bình mỗi ngày gom được 20kg hạt. Tùy vào chất lượng hạt mà có thể bán được từ 50.000 – 65.000đ/kg, hạt càng to giá thu mua càng cao.
Do có giá hạt cao nên nhiều thương lái tìm tới các vườn sầu riêng giống truyền thống, đặc biệt là sầu riêng giống Chín Hóa, vốn có hạt to trên địa bàn các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lộc và Di Linh để thu mua. Sau khi tách múi (cơm) ra bán cho khách hoặc các tiệm làm kem, bánh với giá khoảng 30.000đ/kg, phần hạt được bán riêng cho các đầu mối chuyên thu gom trên địa bàn. Hoạt động thu mua hạt sầu riêng tại các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng diễn ra khá nhộn nhịp, thậm chí còn hơn cả thu mua trái sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi, ngụ xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) năm nay trúng lớn vì có gần 2ha sầu riêng giống Chín Hóa. Vườn sầu riêng này của gia đình ông đã trồng cách đây gần 20 năm, cây to lớn, mặc dù khá ngọt nhưng cùi lại mỏng và hạt rất to nên cuối năm ngoái, gia đình ông dự kiến sẽ phá bỏ dần để trồng các loại sầu riêng giống mới cho năng suất và chất lượng cao hơn.
Điểm bán lẻ trái sầu riêng kiêm thu mua hạt sầu riêng.
“Cũng may là chưa phá bỏ, nếu không có mà tiếc rớt nước mắt!… Gia đình tôi làm sầu riêng gần 20 năm rồi nhưng chưa thấy năm nào thương lái lại đổ xô đi mua hạt sầu riêng với giá cao như năm nay!… Những năm trước, hạt sầu riêng có khi ném bỏ vì chẳng mấy khi có người mua!…”, ông Hùng nói. Nông dân này nhẩm tính, với gần 2ha sầu riêng, nếu giá quả và hạt vẫn giữ cao cho đến hết mùa gia đình ông Hùng dự kiến sẽ có lãi không dưới 1 tỷ đồng.
Từ đầu mùa sầu riêng đến nay, thị trường hạt sầu riêng ở Lâm Đồng giữ ổn định ở mức khá cao đã kích thích lượng tiêu thụ tại chỗ loại trái cây này để gia chủ, tiểu thương lấy hạt. Dọc QL20 qua địa bàn huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, TP Bảo Lộc… hầu hết chủ các vựa thu mua loại trái cây này ưu tiên hạ giá sầu riêng hạt to bán lẻ cho du khách mua ăn tại chỗ để lấy hạt.
Sự “nóng lên” đột biến của thị trường hạt sầu riêng khiến không ít người đồn đoán đây là “âm mưu” của một hình thức làm ăn không lành mạnh đã từng gặp phải như nhiều loại nông sản khác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, thực tế không phải thế.
Ông Nguyễn Công Thành, chủ một vườn ươm chuyên cung cấp các loại sầu riêng giống trong vùng cho biết, so với nhiều loại nông sản khác, trái sầu riêng luôn có giá cao, ổn định, chưa bao giờ thấy bị đổ bỏ nên người trồng loại cây này có thu nhập rất tốt. Trong khi đó, cây chủ lực trên đất Tây Nguyên là cà phê những năm qua giá lại khá thấp, chi phí đầu tư lớn, chăm sóc vất vả nên người dân ở các vùng có khí hậu phù hợp với sầu riêng đang có xu hướng chuyển đổi nhanh sang loại cây trồng này.
“Có thời điểm vườn ươm gia đình tôi không đủ nguồn sầu riêng giống để cung cấp. Nhiều người phải đặt hàng trước cả năm mới có!…”, ông Thành cho biết.
Theo chủ vườn ươm này, giá hạt sầu riêng tăng mạnh trong thời gian qua thực chất là để phục vụ nhu cầu rất lớn về hạt của các vườn ươm, không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà cung cấp cho cả các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Vườn ươm của ông Thành cũng đang phải mua hạt sầu riêng với giá dao động từ 70.000 – 100.000đ/kg về ươm lên cây con để cắt ghép với mầm cây sầu riêng giống mới.
Ông Đinh Văn Hải, chủ vườn ươm sầu riêng ở thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai cũng cho biết: “Ít năm gần đây người dân chuyển sang trồng giống sầu riêng hạt lép, thành ra hạt sầu riêng cung cấp cho vườn ươm bị khan hiếm nên giá lên cao vậy thôi chứ không có thương lái Trung Quốc nào giở trò như người ta đồn thổi đâu!…”.
Cũng theo ông Hải, hiện trên thị trường mới xuất hiện giống sầu riêng múi đỏ đang rất hút người mua khiến cho nhu cầu về hạt sầu riêng để ươm ghép với loại sầu riêng này càng lớn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Sau khi xác minh, chi cục nhận thấy các cơ sở ươm giống sầu riêng ở địa phương và miền Tây đang cần một lượng lớn hạt sầu riêng để ươm mầm, ghép với các loại sầu riêng giống mới, chủ đạo là giống RI6 và Monthong. Nhu cầu cao của thị trường giống sầu riêng khiến hạt loại trái cây này tăng mạnh chứ không có gì bất thường, hay hành vi phá hoại sản xuất nào như dư luận đồn thổi!…”.
Chiều 10-7, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết nhu cầu nhập hạt sầu riêng của địa phương rất lớn. Các cơ sở ươm trồng cây nhiên liệu mua hạt về ươm trồng và lai, ghép ra các loại giống sầu riêng chất lượng. Vùng chợ Lách là nơi nổi tiếng của miền Tây, cung cấp các loại giống trái cây đi các vùng miền của cả nước.
“Trung bình mỗi năm, huyện Chợ Lách cung cấp khoảng 16 đến 17 triệu cây giống sầu riêng các loại. Mấy năm nay, giá hạt sầu riêng tăng cao”, ông Liêm nói.