HTXNN Phước Hưng thực sự là chỗ dựa của nông dân

HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước) là 1 trong số ít đơn vị kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả tại Bình Định. Hiện HTX này đang hoạt động với nhiều loại hình dịch vụ, trong đó dịch vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa đã mang đến cho xã […]

HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước) là 1 trong số ít đơn vị kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả tại Bình Định.

Hiện HTX này đang hoạt động với nhiều loại hình dịch vụ, trong đó dịch vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa đã mang đến cho xã viên nhiều lợi ích, HTX thực sự trở thành chỗ dựa của nông dân.

Hiệu quả của mô hình liên kết

Trước khi Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết SX gắn liền với tiêu thụ nông sản, HTXNN Phước Hưng đã thực hiện mô hình liên kết SX gắn bao tiêu sản phẩm với Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình.

Máy cuốn rơm của HTXNN Phước Hưng đang hoạt động

“Nỗi lo lớn nhất của nông dân hiện nay là việc tiêu thụ nông sản. Để giúp giải quyết vấn đề nan giải này, HTX đã làm cầu nối giữa Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình với nông dân để thực hiện chuỗi liên kết SX gắn với tiêu thụ giống lúa suốt nhiều năm nay”, ông Trần Văn Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng bày tỏ.

Theo ông Long, cánh đồng SX lúa giống nằm trên địa bàn 7 thôn, được quy hoạch từ những vùng ruộng tập trung. Từ vụ ĐX 2009 – 2010, HTXNN Phước Hưng đã thực hiện chuỗi liên kết với diện tích 84 ha, 632 hộ tham gia. Trong vụ này, Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình đã bao tiêu 395 tấn giống với giá cao hơn lúa thường 25% tại thời điểm. Hộ nông dân tham gia SX giống vô cùng phấn khởi và bắt đầu đặt niềm tin vào mối liên kết với doanh nghiệp.

“Hộ tham gia chuỗi liên kết được doanh nghiệp cho mượn giống; vật tư nông nghiệp thì được HTX ứng trước phân bón, thuốc BVTV đến thu hoạch mới thu hồi. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đồng ruộng thường xuyên được cán bộ kỹ thuật của công ty và HTX thăm nom, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó cây lúa cho năng suất cao, trên 80 tạ/ha và được thu mua 1kg=1,25kg, người tham gia SX giống có lãi cao nên ngày càng gắn bó với chuỗi liên kết”, ông Long cho biết thêm.

Khi đã tạo được niềm tin trong nông dân, những năm tiếp theo diện tích SX lúa giống tại HTXNN Phước Hưng liên tục được mở rộng. Đến năm 2014 diện tích SX lúa giống tăng đến 590 ha, số hộ liên kết tăng đến 1.654 hộ, tiêu thụ được 2.689 tấn lúa giống. Với giá cao hơn lúa thịt lại thời điểm 1.500đ/kg, cánh đồng lúa giống đã mang lại giá trị gia tăng cho hộ tham gia hơn 4 tỷ đồng. Bước sang vụ ĐX 2014-2015, diện tích SX lúa giống ở HTXNN Phước Hưng tiếp tục duy trì 420 ha, trên 1.000 hộ tham gia, tiêu thụ được 2.200 tấn lúa giống; bước sang vụ thu 2015, HTX này tiếp tục SX 100 ha lúa giống nữa, tiêu thụ được hơn 300 tấn giống.

Cánh đồng SX lúa giống của HTXNN Phước Hưng

Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình liên kết SX tiêu thụ giống lúa đã làm nên “cuộc cách mạng” về mật độ tại HTXNN Phước Hưng. Từ phương thức gieo sạ 6-7kg lúa giống/sào (500m2), nông dân tiếp cận được kỹ thuật sạ thưa chỉ 3,5kg lúa giống/sào.

“Ngoài ra, nông dân còn được tiếp cận với kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa theo biện pháp 3 giảm 3 tăng nên đẩy được năng suất tăng cao”, ông Long nhận định.

Tiên phong quy tụ ruộng đất

Cánh đồng lúa giống của HTXNN Phước Hưng tuy đã được quy hoạch thành vùng tập trung, nhưng ruộng manh mún thì không tài gì tổ chức SX bài bản. Ruộng đám đâm ngang, đám xẻ dọc, trông như những miếng vá trên tấm áo rách thì dù có muốn lắm cũng không thể áp dụng cơ giới vào SX, thất thoát sau thu hoạch là không thể tránh khỏi.

Trước thực tế này, vấn đề tích quy tụ ruộng đất được nung nấu trong lòng những người cầm chịch ở HTXNN Phước Hưng. Không chỉ nghĩ, HTXNN Phước Hưng làm thật. Trong vụ ĐX 2016-2017 tới, HTXNN Phước Hưng sẽ xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 100 ha với phương thức quy tụ ruộng đất.

Cách làm của Phước Hưng là phá bờ thửa, mở rộng bờ vùng tại 2 thôn Lương Lộc và Tân Hội, 2 thôn này có cánh đồng nối liền, mỗi thôn 50 ha. HTX sẽ đúc trụ bê tông, cắm phân ranh giới từng thửa ruộng theo bờ thửa cũ, diện tích ruộng của mỗi hộ vẫn được phân định riêng.

Lúa giống được Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình thu mua

“Bờ thửa được phá, cánh đồng trở thành đám ruộng lớn, máy cày máy gặt thoải mái hoạt động, không còn bị vướng bờ vướng góc như trước, việc tổ chức SX trở nên thuận lợi vô cùng”, ông Phạm Văn Bình, Bí thư Chi bộ HTXNN Phước Hưng, phác họa viễn cảnh.

Khó nhất trong việc quy tụ ruộng đất là vận động nông dân, nhưng cái khó này HTXNN Phước Hưng đã gỡ được thông qua công tác vận động, tuyên truyền.

“Bây giờ, đâu phải nghe tiếng kẻng là dân tập trung về dự họp đông đủ như trước kia. Nếu cuộc họp thiếu dân, dù những người dự họp có đồng tình thì vẫn không thể chốt vấn đề được. Phải tổ chức đến 2-3 cuộc họp, sự việc mới ngã ngũ”, Giám đốc HTXNN Phước Hưng Trần Văn Long, nhớ lại.

Ông Phan Văn Chăm, Trưởng thôn Lương Lộc, kể: “Nông dân nghe chúng tôi phân tích làm ruộng bây giờ phải chuyển sang SX hàng hóa thì hiệu quả kinh tế mới cao. Muốn làm vậy mà ruộng đất manh mún thì không làm được. Phá bờ thửa, ruộng mình có thêm đất, lại áp dụng cơ giới hóa vào SX rất thuận tiện sẽ giảm được chi phí SX, giảm công lao động, nông dân làm ruộng có lãi hơn. Dân nghe lọt tai, vậy là đồng thuận”.

Hiện nay, phương án của HTXNN Phước Hưng đã được Sở NN-PTNT Bình Định thẩm định và đang được tình lên UBND tỉnh phê duyệt.

Dồn điền mà không đổi thửa

“Mô hình quy tụ ruộng đất ở HTXNN Phước Hưng sẽ thực hiện trong vụ ĐX 2016-2017 là mô hình dồn điền mà không đổi thửa, đây cũng là mô hình cánh đồng lớn đầu tiên được thực hiện tại Bình Định. Đây là tiền để Bình Định tiến tới tích tụ ruộng đất theo phương thức cánh đồng 100 ha ở HTXNN Phước Hưng sẽ cho doanh nghiệp SX giống lúa thuê để canh tác, nông dân làm việc cho doanh nghiệp được trả lương hoặc nông dân góp đất cho doanh nghiệp như cổ phần, làm việc cho doanh nghiệp, sau đó ăn chia theo thỏa thuận”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.