Mô hình lagim: Mô hình trồng rau sạch tại Đồng Nai

Xã Đồi 61, huyện Trảng Bom là vùng đất có truyền thống trồng các loại rau (lagim). Tuy nhiên, nhiều năm qua, người dân chỉ sản xuất theo truyền thống, chăm bón theo kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao. Nay đa số các hộ trồng lagim ở đây đều sản xuất theo phương pháp trồng […]

Xã Đồi 61, huyện Trảng Bom là vùng đất có truyền thống trồng các loại rau (lagim). Tuy nhiên, nhiều năm qua, người dân chỉ sản xuất theo truyền thống, chăm bón theo kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao. Nay đa số các hộ trồng lagim ở đây đều sản xuất theo phương pháp trồng rau an toàn, cho năng suất cao hơn, đầu ra ổn định.

Cuối năm 2014, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN huyện Trảng Bom và UBND xã Đồi 61 mở lớp tập huấn và triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng lagim an toàn cho hội viên phụ nữ trong xã. Mục đích của việc triển khai mô hình là nhằm giúp cho phụ nữ của xã tiếp cận với phương thức canh tác mới, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dần thay thế lối canh tác truyền thống. Tổng diện tích được triển khai tại xã đến thời điểm hiện tại là 34 ha, với 44 hộ tham gia, tạo được việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Các loại rau được đưa vào trồng là các loại rau ăn quả như bí, bầu, dưa leo, mướp…

Với 3 sào đất vườn, gia đình chị Nguyễn Thị Sen, anh Bùi Đình Thống, ấp Tân Hưng đã trồng toàn bộ bí xanh. Sau 3 tháng, vườn nhà anh chị đã cho thu hoạch, lúc trái rộ trung bình mỗi ngày thu được 600kg bí, với giá bán dao động từ 4.000 – 6.000 đồng/kg sau khi trừ mọi chi phí, nhân công, vợ chồng anh Thống còn lãi được 20 triệu đồng/vụ. Anh Thống phấn khởi cho biết: Cũng mảnh vườn này, thời gian trước đây anh canh tác nhiều loại rau khác nhau, tuy nhiên hiệu quả không cao, gần như lấy công làm lãi, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Từ khi chuyển sang trồng theo phương pháp mới, hiệu quả kinh tế thấy rõ, lợi nhuận nhiều hơn, thời gian thu hoạch được lâu hơn và có thời gian rảnh nhiều hơn vì không phải tốn công đưa đi tiêu thụ nữa. Sau 2 vụ mùa, gia đình anh đã mua sắm thêm được nhiều vật dụng có giá trị.

Cũng nằm trong Tổ hợp tác trồng lagim sạch, gia đình chị Đặng Thị Nguyện trước đây là hộ có hoàn cảnh khó khăn, ruộng vườn ít nên kinh tế không ổn định. Nhận thấy đất ruộng nhà chị Nguyện có thể chủ động nguồn nước, thích hợp trồng lagim nên chị em trong Hội Phụ nữ xã đã đưa gia đình chị Nguyện vào Tổ hợp tác trồng lagim an toàn. Được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ về cây giống, phân bón, chị Nguyện đã đầu tư trồng 2 sào dưa leo. Kết quả vụ đầu tiên, trung bình mỗi ngày gia đình chị hái được 600kg dưa và được thương lái vào tận vườn mua với giá hiện tại 4.000 đồng/kg (có thời điểm 6.000 đồng/kg). Thấy có hiệu quả, chị mở rộng diện tích, trồng thêm 2 sào khổ qua, hiện đang chuẩn bị cho thu hoạch. “So với phương pháp trồng rau truyền thống thì trồng lagim theo mô hình an toàn có hiệu quả hơn. Vừa giảm được chi phí thuốc trừ sâu, bớt độc hại mà giá bán lại cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg”, chị Nguyện cho biết.

Chị Phạm Thị Tơ, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lagim an toàn xã Đồi 61 cho biết: Ban đầu triển khai chỉ có 30 thành viên được hỗ trợ với diện tích là 8 ha, nhưng sau một vụ mùa, diện tích đã tăng hơn 4 lần (34 ha) với 44 hộ gia đình tham gia. Mô hình trồng lagim theo phương pháp an toàn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn nó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất kinh doanh thì chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển thương hiệu.

Trước thực trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì trồng lagim theo phương pháp an toàn là hướng đi cần thiết để thay đổi tập quán canh tác truyền thống của nông dân.Trong thời gian tới, Tổ hợp tác sẽ nhân rộng mô hình, mở rộng thêm diện tích, đặc biệt là sẽ tuyên truyền đến người làm vườn thực hiện theo đúng tiêu chuẩn sạch để tạo đầu ra ổn định. “Đây thực sự là hướng đi bền vững, giúp nông dân giảm nghèo vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình”, chị Tơ khẳng định.

Theo nongsanvietnam.vn