Tình trạng hồ tiêu chết như ngả rạ ở các tỉnh Tây Nguyên, điển hình là tỉnh Gia Lai, trong thời gian gần đây đang khiến những nông dân trồng tiêu “chết dần chết mòn” vì thua lỗ, vì nợ nần. Tác động “kép” do giá tiêu giảm sâu (hiện chỉ còn 45.000 đồng/kg) + […]
Tình trạng hồ tiêu chết như ngả rạ ở các tỉnh Tây Nguyên, điển hình là tỉnh Gia Lai, trong thời gian gần đây đang khiến những nông dân trồng tiêu “chết dần chết mòn” vì thua lỗ, vì nợ nần. Tác động “kép” do giá tiêu giảm sâu (hiện chỉ còn 45.000 đồng/kg) + tình trạng tiêu chết không chỉ làm nông dân khốn đốn, mà các “chủ nợ” là ngân hàng cũng lo ngay ngáy.
Bài 1: Những con số ám ảnh
Trước đây, nhắc tới hồ tiêu, hẳn nhiều người ở Gia Lai đều rất tự hào vì nơi đây được ví là “thủ phủ” hồ tiêu cả nước, với hàng ngàn ha hồ tiêu xanh tốt, đem lại sự giàu có cho hàng ngàn hộ gia đình. Thế nhưng bây giờ, nhắc đến cây tiêu ai nấy đều thở dài ngao ngán…
Vòng xoáy nợ nần
3.000 trụ tiêu đều chết sạch khiến gia đình ông Hồ Hồng Lam mất hàng tỷ đồng và lâm cảnh nợ nần. Ảnh: T.H
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, khoảng gần 10 năm liền, giá hồ tiêu ổn định rồi tăng cao nên nhiều người đã vay tiền ngân hàng để mở rộng diện tích. Khi có thu nhập tiền tỷ lại đi xây nhà cửa to đùng, mua sắm ô tô tiền tỷ, rồi tái đầu tư, chủ quan không trả nợ ngân hàng, khi tiêu chết thì lâm vào cảnh khó khăn… |
Về thăm vườn tiêu từng được khen ngợi là đẹp nhất xã Ia Băng, huyện Chư Prông (Gia Lai), nơi mà trước đây người dân vẫn thường lui tới để học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi không khỏi giật mình khi khắp vườn, chỉ thấy những trụ tiêu trơ trọi. Hình ảnh vườn tiêu tươi tốt, quả sai chi chít ngày nào giờ hoàn toàn biến mất.
Trước đây, với 3.000 trụ tiêu trong vườn này, gia đình ông Hồ Hồng Lam (49 tuổi, trú xã Ia Băng) đã thu về hơn 1 tỷ đồng/năm. Năm giá cả tệ nhất, ông Lam cũng vẫn thu về 200 triệu đồng. Còn 3 năm trở lại đây, từ khi tiêu mắc dịch bệnh chết, lại thêm cảnh giá rớt thảm triền miên, gia đình ông Lam chẳng những không có đồng nào đút túi mà ngược lại, còn phải gánh thêm hàng chục triệu đồng tiền lãi vì vay ngân hàng trước đó để đầu tư chăm sóc vườn tiêu.
“Lãi mẹ đẻ lãi con” khiến cuộc sống của vợ chồng ông Lam lâm vào cảnh nợ nần. Túng bấn tiền trả lãi, ông Lam cực chẳng đã phải rao bán mảnh đất tiền tỷ ngày nào để lấy tiền trả nợ, nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng.
Tâm sự với chúng tôi, ông Lam bộc bạch: “Trước kia vườn tiêu của tôi đẹp nhất vùng, giai đoạn từ năm 2011-2015 vẫn cho thu về 1,2 – 1,3 tỷ đồng/năm. Thậm chí năm tệ nhất là 2017, tôi vẫn thu về 200 triệu đồng, đủ để trả công thuê lao động, chi phí chăm sóc vườn. Cũng vì trước đó tiêu được giá nên cứ cuối mỗi vụ tiêu, gia đình tôi lại lấy tiền lãi và còn vay thêm ngân hàng để đầu tư tiếp. Năm 2015, tôi mua thêm 2.500 trụ ở huyện Ia Grai chăm sóc nhưng chưa kịp thu thì cả vườn bị úng nước chết sạch, nợ nhân lên gấp đôi, gấp ba.
Sau 2 năm, cả 3.000 trụ tiêu ở cạnh nhà cũng chết hết, nên năm 2018, tôi đánh liều trồng hơn 2.000 gốc chanh dây. Nhưng phần vì giống không đảm bảo, phần do đất nhiễm bệnh từ cây tiêu nên chanh dây cũng chết theo, tôi mất trắng hơn 500 triệu đồng. Tôi đành rao bán tất cả các mảnh đất hiện có nhưng cũng chẳng ăn thua, nợ vẫn nợ, lãi thì chồng chất…”.
Vợ chồng ông Lam đang nợ 450 triệu đồng vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả 4 triệu đồng tiền lãi. Vợ chồng ông hiện có mấy thùng hàng mì tôm, dầu gội bán lẻ để duy trì bữa ăn hàng ngày.
Cùng chung hoàn cảnh nợ nần vì hồ tiêu, gia đình ông Nguyễn Thái Dương (47 tuổi, trú tại xã Ia Me, huyện Chư Prông) có khoảng 3.000 trụ tiêu. Dù đã 2 lần cải tạo trồng lại vườn tiêu mới nhưng ông Dương đều thất bại, hàng nghìn trụ tiêu cứ nhiễm bệnh rồi chết khô. Thất bại nối tiếp thất bại vì hồ tiêu, hiện số nợ của ông Dương đã tăng lên hơn 300 triệu đồng.
Số phận những con nợ
Không riêng gì Chư Prông, tại các “thủ phủ” hồ tiêu một thời ở đất Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang bây giờ cũng tràn ngập màu héo úa, xơ xác của những vườn tiêu chết. Từng đống dây tiêu, rễ tiêu khô đét chất ngổn ngang bên đường, cùng tiếng thở dài ngao ngán của người nông dân. “Tiêu chết, nợ sống”, các khoản nợ vì tiêu ngày một tăng cao cuốn người dân vào vòng xoáy nợ nần.
Nhiễm bệnh đã đành, riêng huyện Ia Grai mùa mưa năm 2018 vừa qua đã bị ngập úng gần 500ha hồ tiêu. Đáng nói là những diện tích tiêu này đều vừa vào vụ thu hoạch chính, lời lãi chưa có.
Đó là chưa kể hàng nghìn hộ nông dân khác cũng ít nhiều bị thiệt hại vì các nguyên nhân khác. Đơn cử như năm 2018, ở huyện Chư Pưh có tới hơn 2.600 hộ có tiêu bị thiệt hại do hạn hán, dư nợ của các hộ bị thiệt hại lên tới gần 800 tỷ đồng. Tính riêng tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) ước tính dân còn nợ các ngân hàng trên 250 tỷ đồng, hầu hết trong số đó đều không có khả năng trả nợ.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại tổng diện tích hồ tiêu chết trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã lên tới hơn 5.500ha. Cụ thể, có khoảng 32.278 hộ có tiêu chết rải rác ở khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh Gia Lai vay trồng tiêu là trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Nhiều hộ dân không có đủ vốn để tiếp tục đầu tư, chăm sóc tiêu, buộc phải bỏ xứ đi làm thuê làm mướn.
Ông Lê Quang Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 1.400 lao động đã rời địa phương đi làm ăn xa để trang trải cuộc sống và kiếm tiền trả lãi ngân hàng do trồng hồ tiêu thua lỗ. Có 40 hộ gia đình bỏ nhà vào các tỉnh miền Nam tìm hướng mưu sinh vì hồ tiêu chết hết và nhà cửa đã bị ngân hàng niêm phong.